Soạn VănTiếng việt 4

Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 127 SGK Tiếng Việt 4 tập 2

Trong tiết kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 127 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 tuần 31, các em sẽ được học cách kể chuyện về một cuộc du lịch hoặc cắm trại mà em được tham gia. Để chuẩn bị cho tiết học này, mời các em tham khảo bài hướng dẫn sau đây của Đọc tài liệu nhé!

Xem lại bài trướcSoạn bài Luyện từ và câu: Thêm trạng ngữ cho câu trang 126 Tiếng Việt 4

Bạn đang xem bài: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 127 SGK Tiếng Việt 4 tập 2

ke chuyen ke chuyen duoc chung kien hoac tham gia trang 127 tieng viet 4 rs650 ke chuyen ke chuyen duoc chung kien hoac tham gia trang 127 tieng viet 4 rs650

I. Mục tiêu tiết học

  • Ôn tập về cách làm bài kể chuyện
  • Thực hành kể chuyện về một cuộc du lịch hoặc cắm trại mà em được tham gia

II. Gợi ý cách làm kể chuyện về một cuộc du lịch hoặc cắm trại mà em được tham gia

* Nhớ lại những lần bố mẹ cho đi du lịch hoặc những lần cùng cả lớp cắm trại.

* Kể chuyện

– Giới thiệu về cuộc du lịch, cắm trại: Ở đâu? Khi nào? Cùng với ai?

– Kể những chi tiết của cuộc du lịch, cắm trại đó. Qua lần du lịch, cắm trại đó, em phát hiện được những gì thú vị?

– Nêu ấn tượng của em về lần du lịch, cắm trại đó.

III. Hướng dẫn làm bài

Câu 1 (trang 127 sgk Tiếng Việt 4) : Kể chuyện về một cuộc du lịch hoặc cắm trại mà em được tham gia

Trả lời:

Bài văn mẫu 1:

Đầu tháng 6 vừa qua, các trường trung học cơ sở và tiểu học xã em tổ chức một cuộc cắm trại nhằm chào mừng ngày 1-6, ngày Quốc tế thiếu nhi. Trường em cũng được mời tham gia. Vì thế, lớp em đã có một đêm trại thật lí thú.

Địa điểm cắm trại là khuôn viên một ngôi chùa của xã bên. Vườn đất của nhà chùa rất rộng và được trồng cây, trồng hoa, trồng cỏ sạch đẹp như một công viên. Nhà chùa cho phép chúng em được dựng trại trong sân và trên bãi cỏ trong vườn. Lớp em chọn một góc sân có nền lát gạch tàu nên rất sạch sẽ. Chúng em chăng dây, dựng cọc rồi dựng trại. Mái trại là một tấm phông lớn có màu xanh da trời nhìn rất mát mắt. Khi trại đã dựng xong, chúng em phân công nhau trang trí. Bên trong trại, trải hai tấm chiếu hoa nhìn rất khang trang. Ngoài trại có hàng rào làm bằng dây chăng treo những lá cờ đuôi nheo nhiều màu sắc. Trên cổng trại có băng vải chăng ngang. Trên băng vải có hàng chữ lớn: Trại Quyết Thắng – Lớp 4B – Trường Võ Thị Sáu.

Đúng tám giờ sáng thì hoạt động chung của toàn khu trại bắt đầu. Các cuộc thi hát, thi viết chữ đẹp trên bảng đen, thi nhảy dây, thi kéo co,… liên tục diễn ra. Tiếng reo hò vang dậy cả khu trại đông vui. Một số bạn gái lớp em thì bắc bếp nổi lửa nấu cơm. Khi các mâm cơm được dọn ra theo giờ quy định thì Ban chỉ huy trại đi các lán chấm điểm xem trại nào nấu ăn ngon và khéo nhất. Sau đó chúng em ngồi vào và ăn một bữa thật ngon miệng. Buổi chiều cũng có một số hoạt dộng diễn ra. Ban chỉ huy trại lại di chấm điểm từng trại, xem trại nào trang trí đẹp nhất. Buổi tối, chúng em liên hoan văn nghệ ngay giữa sân chùa.

Dưới ánh điện lung linh, các tiết mục ca múa nhạc diễn ra sôi nổi, hào hứng. Mãi tới mười hai giờ đêm, cuộc vui mới chấm dứt. Chúng em về trại nằm nghỉ ngơi nhưng cũng chẳng ai ngủ ngáy gì. Tất cả đều thức để tiếp tục ca hát hoặc trò chuyện. Sáng hôm sau, ban chỉ huy tổng kết cuộc thi cắm trại, tuyên dương khen thưởng các trại đạt điểm cao. Sau đó chúng em được lệnh nhổ trại. Cuối cùng chúng em làm vệ sinh sân chùa và vườn chùa để quang cảnh ở đây lại trở lại sạch đẹp.

Bài văn mẫu 2

Thanh bình và yên tĩnh thì phải nói tới làng quê. Để giúp tôi thư giãn sau đợt kiểm tra học kì I vừa qua, mẹ đã đưa tôi đi thăm ngoại ở Bình Thuận. Chuyến đi để lại cho tôi nhiều kỉ niệm tốt đẹp.

Buổi sáng, khí trời se se lạnh, gió thoảng qua khẽ lay động cây liễu rủ trước nhà. Cả nhà tôi vội thu dọn hành lí để ra bến xe. Rất may ra: đến nơi, gia đình tôi vừa kịp đón chuyến xe đầu tiên đi Bình Thuận. Chiếc xe từ từ lăn bánh. Tôi chỉ thấy những tòa nhà vút qua vùn vụt. Đi được một quãng, nhà cửa hai bên đường có vẻ thưa dần, thay vào đó là những bụi tre, hàng dừa mọc lên lô’ nhố. Ngồi hơn hai tiếng đồng hồ, tôi hỏi mẹ:

– Mẹ ơi! Sao lâu đến nơi thế ạ?

Mẹ mỉm cười rồi nói:

– Sắp đến rồi con ạ! Chỉ còn hơn ba mươi cây số nữa thôi!

Quả đúng như lời mẹ nói, xe chạy chừng gần một tiếng đồng hồ nữa rồi dừng lại một bến vắng người. Vừa dặt chân xuống đất, tôi cảm thấy ngạc nhiên. “Bình Thuận là nơi đây ư? Quê ngoại của mình như thế này ư? Sao vắng vẻ thế! Chẳng giông thành phố’ nơi tôi ở, suốt ngày xe cộ qua lại đông dúc, náo nhiệt lắm cơ!”. Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu suy nghĩ cứ liên tục hiện lên trong đầu tôi. Nếu không nghe thấy tiếng gọi của mẹ cắt ngang dòng suy nghĩ thì tôi đã đứng ở đây cho đến tối rồi. Thế là tôi cùng mẹ đi bộ đến nhà ngoại mà trong lòng vẫn còn day dứt.

– Đến nơi rồi đấy, ta vào đi thôi! Tiếng mẹ tôi nói.

Đến lúc này, tôi càng sửng sốt hơn. Giữa chốn làng quê này một ngôi nhà rất to, cao ba tầng lầu được sơn màu xanh nước biển nổi bật trong một khu vườn rộng lớn. Đang mải ngắm ngôi nhà, chợt tôi nghe thấy tiếng gọi của ngoại:

– Vào đây đi cháu!

Ngoại tôi đã già rồi, khoảng ngoài bảy mươi tuổi. Lưng ngoại nay đã còng, nhưng khuôn mặt của ngoại vẫn hồng hào và ánh mắt vẫn còn tinh nhanh. Tôi chạy vào ôm
chầm lấy ngoại, ngoại xoa đầu khen tôi dạo này chóng lớn quá. Suốt ngày hôm đó, tôi ớ nhà nói chuyện với ngoại.

Ngày hôm sau, mẹ xin phép ngoại sang thăm nhà cậu Hai ở gần đó. Vì không quen đường sá nên cái Na phải đưa mẹ con tôi đi. Vừa đến nơi, đã thấy cậu Hai đứng ở cổng, tươi cười mời mẹ con tôi vào nhà. Trong khi mẹ ngồi nói chuyện với cậu, tôi và cái Na ra vườn ngồi chơi banh đũa. Đang chơi bỗng có tiếng ai lanh lảnh vang lên: “Xin chào! xin chào!”. Tôi ngó trước sau chả thấy ai cả, chỉ có một chiếc lồng chim treo trên cây mít trong đó có một con vẹt. Thấy tôi ngơ ngác, cái Na nhanh nhẹn giải thích:

– Cậu Hai mê chơi chim lắm, con vẹt được xem là “con cưng” của cậu đấy! Nó nói được tiếng người, thấy ai quen nó nói suốt ngày. Nhưng đôi lúc nó cũng lì lắm, bảo nói nó cũng chẳng thèm nói.

Nghe cái Na nói ra một tràng về con vẹt, tôi bèn tặc lưỡi khen:

– Dù sao nó nói được tiếng người là hay lắm rồi!

Ngồi chơi với con vẹt không được bao lâu, cái Na rủ tôi lên vườn thanh long chơi, ơ đây bạt ngàn là thanh long. Cây nào cây nấy đều ra rất nhiều quả.

Ngày kế tiếp, tôi và cái Na đi vào xóm chơi, ở đây, nhà nào cũng đẹp, vườn rộng với nhiều cây ăn trái. Không khí thoáng đãng mát mẻ. Tôi lẩm bẩm một mình: “Giá như ở thành phố có một khu vườn như thế này thì thích phải biết”. Cái, Na còn muôn rủ tôi đi nhiều nơi nữa, nhưng sáng mai tôi phải về rồi, tôi phải ở nhà chơi với ngoại vì chẳng biết đến bao giờ, tôi mới được trở lại đây. Suốt đêm đó, tôi chẳng thể nào chợp mắt được. Ánh trăng vàng len qua cửa sổ như muôn cùng tôi trò chuyện.

Sáng hôm sau, cả nhà ngoại đưa hai mẹ con tôi ra bến xe. Cái Na cũng theo ra, nó sụt sịt khóc. Tôi cảm thấy lòng bâng khuâng, mắt cũng cay xè. Thấy thế mẹ liền nói:

– Thôi nào! Sang năm mẹ lại cho xuống thăm ngoại.

Chia tay, tôi leo lên xe. Xe chạy, tôi vẫn cố ngoái lại nhìn mọi người đến khi cảnh vật khuất hẳn phía xa.

Mặc dù đã về đến nhà, nhưng dư âm của một cuộc du lịch về làng quê êm ả mãi mãi in đậm trong tâm trí của tôi.

Bài văn mẫu 3

Nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập Đoàn hai mươi sáu tháng ba, trường em có tổ chức một buổi cắm trại cho học sinh lớp Bốn và lớp Năm tại khu du lịch: “Sài Gòn Water World”.

Ngay từ sáng sớm, các bạn học sinh đã có mặt đầy đủ. Ai nấy đều mặc quần áo mới, mang trên vai một ba lô với đầy đủ tiện nghi cho một cuộc du lịch cắm trại. Bên ngoài, những chiếc xe buýt đủ màu sắc đang sẵn sàng chở chúng tôi lên đường.

Sau khi ổn định tổ chức, thầy phụ trách hướng dẫn từng lớp lên xe theo quy định. Bảy giờ, xe bắt đầu chuyển bánh hòa vào dòng người trên đường. Buổi sáng, gió nhè nhẹ, những tia nắng ban mai như đang nhảy nhót, len lỏi trên các mái nhà và thậm chí chui vào cả trong xe. Qua nhiều chặng đường, chúng tôi đã đến nơi cắm trại. Cổng của công viên nước đã hiện ra, chúng tôi đều cảm thấy lòng phấn chấn hẳn lên. Xe vừa dừng, các bạn đã ùa xuống, ai nấy đều muôn nhảy ngay xuống nước mà tắm mà đùa cho thỏa thích. Bỗng một hiệu lệnh vang lên, chúng tôi nhanh chóng trở về vị trí của mình. Sau khi nghe mục đích, ý nghĩa, chương trình của buổi sinh hoạt tập thể toàn trường ôn lại truyền thông vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong một không , khí nghiêm trang và tự hào. Sau đó là các cuộc thi. Mở đầu, các lớp thi dựng trại. Một tiếng còi vừa dứt, các lớp hối hả dựng trại của mình. Tuy có sự phân công và tập dượt nhiều lần, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy bối rối, lúng túng. Cuối cùng lều của chúng tôi cũng được dựng lên. Các bạn nữ chăng những dây hoa được kết rất đẹp. Ánh Bác Hồ được treo chính giữa, phía dưới ảnh là một chiếc bàn được phủ bằng một tấm rèm hoa, trên bàn một lọ hoa hồng màu đỏ rực rỡ. Trước trại là một tấm biển ghi tên lớp với chủ đề “Măng non”. Chúng tôi vừa trang trí xong thì cũng là lúc ba hồi còi vang lên báo hiệu giờ dựng trại đã hết. Lớp tôi xếp thành hai hàng chỉnh tề chờ Ban chỉ huy Liên Đội đến chấm điểm.

Đến giờ nghỉ trưa, cả lớp quây quần trong lều. Mặc dù bữa ăn chỉ có bánh mì với trái cây, nước lọc nhưng mọi người đều ăn rất ngon lành, vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ.

Đúng hai giờ chiều lại diễn ra các cuộc thi: thi nghi thức đội, thi kéo co, thi nhảy bao bố, thi đi xe đạp chậm… Tiếng hò, tiếng hét làm vang động cả công viên nước. Cuối cùng tại một gò đất cao nơi được dùng để làm sân khấu thi biểu diễn văn nghệ. Từng tràng vỗ tay vang lên cổ vũ, tán thưởng những giọng ca hay, những điệu múa đẹp…

Thời gian trôi qua một cách nhanh chóng, trời đã về chiều, hoàng hôn buông xuống cũng là lúc buổi cắm trại kết thúc. Thay mặt cho toàn trường, chị Bí thư Đoàn lên công bô” kết quả và phát thưởng cho những cá nhân và đơn vị đoạt giải. Không khí lúc này lại náo động hẳn lên, tiếng hò, tiếng reo không ngớt. Lớp nào cũng có phần thưởng. Chúng tôi thu dọn lều trại chuẩn bị ra về.

Buổi cắm trại hôm nay thật là vui, chúng tôi được tận hưởng một không khí sinh hoạt tập thể đầy thú vị. Tôi hi vọng sang năm lại có một buổi cắm trại vui như thế này.

Bài văn mẫu 4

Chuyến đi thăm cố đô Hoa Lư – Ninh Bình vừa qua đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc. Em nhớ mãi cảm xúc phấn khởi, hăng say và ngạc nhiên, thích thú trong chuyến đi ấy.

Vào một sáng cuối xuân, đầu hạ, khi bầu trời còn đẫm sương đêm, đoàn xe tham quan của trường em đã bắt đầu chuyển bánh. Những chiếc xe đầy ắp tiếng cười lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang sông Đáy hiền hoà, trong vắt rồi tiếp tục bon bon trên quốc lộ 1. Xa xa, sau làn sương mờ, dãy Non Nước Tiện lên như một bức tranh phong cảnh. Chúng em đều cảm thấy hồi hộp vì tuy nghe tiếng đã lâu nhưng chưa ai được đặt chân tới mảnh đất “cờ lau dẹp loạn” này bao giờ. Tiếng cười nói trong xe tạm lắng xuống, nhường chỗ cho những ánh mắt háo hức, xôn xao…

Hoa Lư đây rồi! Kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt chính là đây. Toàn bộ khu di tích nằm trong một vùng đất trũng lòng chảo, xung quanh bao bọc bó những dãy núi trùng điệp. Thiên nhiên khéo sắp đặt cho nơi này một cảnh quan hùng vĩ, vừa có sông nước, vừa có núi non. Phong cảnh hữu tình biết mấy!

Đến Hoa Lư hôm nay, chúng em không còn được nhìn thấy cung điện nguy nga, những thành cao, hào sâu… nhưng mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi nơi đây đều ghi đậm dấu ấn vẻ vang của một thời kì lịch sử oai hùng. Nào là nu Cột Cờ cao 200 mét như một chân đế khổng lổ để vua Đinh dựng cờ khởi nghĩa. Nào là ngòi Sào Khê chảy qua hang Luồn, là nơi thuỷ quân ta luyện tập. Chúng em còn đi thăm hang Muối, hang Tiền với những nhũ đá lóng lánh. Phải chăng đây là kho dự trữ, nguồn cung cấp lương thực cho quân đội của Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa?

Giữa khu di tích Hoa Lư có đền thờ Đinh Tiên Hoàng. Ngôi đền sừng sững, mái cong vút, lợp ngói hình vảy cá, rêu xanh đã phủ dày dấu thời gian Cột đến làm bằng những cây gỗ to, một vòng tay ôm không hết. Sân rồng còn lưu lại dấu tích bệ đặt ngai ngự của vua. Đó là một phiến đá to, bằng phẳng. Các nghệ nhân tài hoa thưở trước đã khéo léo khắc chạm trên mặt đá hình rồng bay rất đẹp. Xung quanh là hình con nghê, hình chim phượng cao quý và dũng mãnh tượng trưng cho uy quyền của nhà vua. Chúng em ngắm chiếc sập đá mà lòng thầm khâm phục bàn tay tài hoa của ông cha thuở trước.

Trong chính cung là tượng Đinh Tiên Hoàng đang ngự trên ngai. Nhà vua mặc áo thêu rồng, đầu đội mũ bình thiên, bàn tay xoè rộng, đặt nhẹ trên gối vẻ cương nghị đọng lại ở đôi môi mím chặt, ở đôi mắt mở to nhìn thẳng. Thắp nén hương tưởng niệm, chúng em vô cùng kính phục người anh hùng dân tộc đã có công xây dựng Hoa Lư thành kinh đô của nước Đại Việt thuở xưa.

Tạm biệt đền Đinh Tiên Hoàng, chúng em đến thăm đền thờ vua Lê ở phía bên trái khu di tích Vua Lê vận long bào, đội mũ miện vàng, ngang lưng đeo kiếm trông rất oai nghiêm. Trong khu vực đền thờ còn có bức tượng một người phụ nữ trông phúc hậu, đoan trang. Đó là thái hậu Dương Vân Nga, bậc liệt nữ có một không hai trong lịch sử nước nhà. Bà đã ghé vai gánh vác sự nghiệp cả hai triều Đinh – Lê. Những vị được tôn thờ ở đây đều là những con người kiệt xuất, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Không có thời gian để leo núi, chúng em đứng trong thung lũng, ngẩng đầu nhìn bốn phía để cảm nhận rõ thêm vị thế hiểm trở của cố đô. Có bạn đã giở sổ tay, phác nhanh vài nét kí hoạ. Nhiều bạn bàn bạc sôi nổi về phong trào cờ lau dẹp loạn thuở nào.

Trời đã xế chiều. Chúng em lưu luyến ra về và nuối tiếc vì chưa bẻ được mấy bông lau để cắm làm cờ cho xe mình thêm khí thế. Đến thăm Hoa Lư, chúng em hiểu thêm về lịch sử dân tộc và cảnh đẹp đất nước. Chuyến đi tham quan này đã trở thành đề tài cho những cuộc trò chuyện của lớp em suốt những ngày sau đó.

***********************

Trên đây là hướng dẫn bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 127 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 mà Đọc tài liệu tổng hợp, hy vọng có thể giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn để có những tiết học bổ ích và vui vẻ. Chúc em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

>> Xem bài tiếp theo: Soạn bài Tập đọc: Con chuồn chuồn nước trang 127 Tiếng Việt 4

Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Soạn Văn

Trường Đại Học Y Dược Buôn Ma Thuột

Đội ngũ của chúng tôi đạt chuẩn, mạnh mẽ và sáng tạo và liên tục đổi mới phương thức giảng dạy để đem lại kết quả tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button