Trong tiết học Chính tả nghe viết Cánh diều tuổi thơ trang 147 tuần 15 SGK Tiếng Việt 4 tập 1, ngoài thực hành nghe viết bài chính tả Cánh diều tuổi thơ, các em sẽ được học cách phân biệt tr/ch; dấu hỏi/dấu ngã. Cùng tham khảo bài hướng dẫn chi tiết dưới đây của Đọc tài liệu để chuẩn bị thật tốt cho tiết học trên lớp em nhé!
- Soạn bài Chính tả Chuỗi ngọc lam trang 137 SGK Tiếng Việt 5
- Soạn bài tập đọc Mùa xuân đến trang 17 SGK Tiếng Việt 2 tập 2
- Đoạn văn theo truyện nàng tiên ốc trong đó có ít nhất hai lần dùng dấu hai chấm
- Soạn bài tập đọc Công việc đầu tiên trang 126 SGK Tiếng Việt 5
- Luyện từ và câu: Cách viết tên người, tên địa lí nước ngoài trang 78
Bạn đang xem bài: Chính tả nghe viết: Cánh diều tuổi thơ trang 147
I. Mục tiêu tiết học
- Thực hành nghe viết bài chính tả Cánh diều tuổi thơ
- Học cách phân biệt tr/ch; dấu hỏi/dấu ngã và áp dụng để hoàn thành các bài tập
II. Nghe – viết: Cánh diều tuổi thơ
Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.
Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,… như gọi thấp xuống những vì sao sớm.
III. Phân biệt tr/ch; dấu hỏi/dấu ngã
1. Phân biệt tr/ch
– Một số từ bắt đầu bằng tr: trong trắng, trẻ trung, trí nhớ, trị liệu, trăm triệu, trân trọng, thị trấn, trẻ em, trúng thưởng, thủy triều, trôi nổi, trượng phu,…
– Một số từ bắt đầu bằng ch: chong chóng, chẻ củi, chung thủy, ý chí, đừng chớ, chị em, chân thành, chả cá, chúng tôi, chiều chiều, cái chổi, chán chường,,,,
2. Phân biệt dấu hỏi/dấu ngã
– Một số từ có chứa dấu hỏi: hỏi han, củ tỏi, trôi nổi, nóng hổi, giỏi giang, mệt lả, hả hê, miêu tả, giả tạo, cái chảo, …
– Một số từ có chứa dấu ngã: lã chã, giận dỗi, nỗi buồn, hễ như, giã gạo, cái chão, não nề, dễ dàng, tới trễ, bão tố,…
IV. Hướng dẫn làm bài tập SGK
Câu 1: Nghe – viết: Cánh diều tuổi thơ (từ đầu… đến “…những vì sao sớm.”)
Trả lời:
Nghe giáo viên đọc và viết lại bài Cánh diều tuổi thơ (đoạn từ đầu đến …những vì sao sớm).
“Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.
Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên bầu trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,… như gọi thấp xuống những vì sao sớm.”
(Chú ý các từ ngữ có tiếng bắt đầu bằng ch / tr và thanh hỏi, thanh ngã).
Câu 2:
Tìm tên các đồ chơi hoặc trò chơi.
a) Chứa tiếng bắt đầu bằng tr hoặc ch.
M: chong chóng, trốn tìm
b) Chứa tiếng có thanh hỏi hoặc thanh ngã.
M: ngựa gỗ, thả diều
Trả lời:
Tên các đồ chơi hoặc trò chơi
a) Chứa tiếng bắt đầu bằng tr hoặc ch:
ch: đồ chơi: chong chóng, chó bông, que chuyền; trò chơi: chọi dế, chọi cá, chọi gà, chơi chuyền.
tr: đồ chơi: trống ếch, trống cơm, cầu trượt; trò chơi: đánh trống, đấu kiếm, cắm trại, bơi trải.
b) Thanh hỏi: đồ chơi: tàu hỏa, ô tô cứu hỏa, tàu thủy; trò chơi: nhảy ngựa, nhảy dây, thả diều, thả chim, dung dăng dung dẻ…
Thanh ngã: đồ chơi: ngựa gỗ; trò chơi: diễn kịch, bày cỗ.
Câu 3: Miêu tả một trong các đồ chơi hoặc trò chơi nói trên.
Trả lời:
Miêu tả đồ chơi, trò chơi:
– Tả chiếc xe điện tử:
Các bạn hãy xem chiếc xe điện tử của tôi. Toàn thân nó bằng nhựa. Thùng xe màu cánh gián. Bánh xe màu đen. đèn báo hiệu màu xanh ngọc bích. Mỗi lần tôi vặn nút để xe khởi động, xe phát ra âm thanh rồi chạy tới, chạy lui, đèn sáng lấp loáng trông thật đẹp.
– Tả mô hình đoàn tàu:
Tu… tu… tu…! Xinh xịch! Xinh xịch! Xinh xịch… Đoàn tàu cất lên tiếng còi lanh lảnh chào tạm biệt sân ga để bắt đầu vào hành trình mới. Đó là chiếc tàu hoả đồ chơi mà ba mua cho em trong dịp lên tham quan thành phố Hồ Chí Minh.
Trông thứ đồ chơi xinh xắn ấy, ai cũng phải mê. Nó như một đoàn tàu thật thu nhỏ lại, chỉ dài độ sáu mươi phân và được làm bằng nhựa. Chiếc đầu máy sơn màu xám bạc có gắn huy hiệu của ngành đường sắt. Hai bên thành vẽ hai lá cờ đỏ sao vàng. Chiếc ống khói nhô cao trên nóc tàu. Trước tay lái, người lái tàu trong bộ đồng phục đang chăm chú nhìn về phía trước.
Mười toa tàu màu xanh nối tiếp nhau. Dưới gầm toa là hai dãy bánh đều tăm tắp.
Tàu chạy bằng pin. Mỗi khi chơi, em chỉ cần lắp hai cục pin vào một chiếc ngăn nhỏ dưới đầu tàu rồi bật công tắc là tàu chạy trên đường ray đã lắp sẵn. Đường ray bằng nhựa màu đen, có thể kéo ra và gấp vào rất dễ dàng.
Chiều chiều, sau lúc học bài, em thường rủ bạn Quân sang chơi trò lái tàu hoả. Chúng em say mê chơi. Em ao ước sau này lớn lên sẽ trở thành một người lái tàu giỏi, để ngày ngày được lái con tàu băng băng trên đường sắt xuyên suốt chiều dài của đất nước Việt Nam yêu dấu.
——————————————————————–
Trên đây là hướng dẫn giải bài tập Chính tả nghe viết: Cánh diều tuổi thơ trang 147 Tiếng Việt 4 tập 1 bao gồm các kiến thức cần nắm và cách làm các bài tập SGK mà Đọc tài liệu đã tổng hợp. Hy vọng đây sẽ là tài liệu học tập hữu ích cho các em và các phụ huynh trong quá trình dạy học cho con em mình tại nhà. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!
» Xem thêm: Giải bài tập Mở rộng vốn từ: Đồ chơi – Trò chơi
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Soạn Văn