Soạn bài Luyện từ và câu: Chủ ngữ trong câu kể Ai thế nào? trang 36 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 được Đọc tài liệu tổng hợp đầy đủ cả lý thuyết và gợi ý làm các bài tập phần Nhận xét, Luyện tập cuối bài.
Soạn bài Luyện từ và câu lớp 4: Chủ ngữ trong câu kể Ai thế nào? trang 36 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 được Đọc tài liệu biên soạn nhắc lại lý thuyết của câu kể Ai thế nào, cùng những phần nội dung liên quan để các em học sinh có thể sử dụng để làm các bài tập SGK trang 36, 37.
Bạn đang xem bài: Soạn bài Luyện từ và câu: Chủ ngữ trong câu kể Ai thế nào trang 36
Kiến thức cần nhớ
I. Lí thuyết
1. Chủ ngữ của câu kể Ai thế nào? Chỉ những sự vật có đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái được nêu ở vị ngữ.
Ví dụ: Bàn tay mẹ rám nắng, các ngón tay xương xương gầy gầy.
2. Chủ ngữ thường do danh từ (hoặc cụm danh từ) tạo thành.
Ví dụ:
Bầu trời // trong xanh.
Những ngôi nhà bé nhỏ ấy // đều là tài sản mà ba chị Lan đã để lại.
II. Phương pháp làm một số dạng bài tập
1. Dạng bài xác định câu kể Ai thế nào?
Để xác định những câu kể có dạng Ai thế nào? ta cần làm như sau:
– Xác định chủ ngữ và vị ngữ của câu.
– Xét xem chủ ngữ có phải là danh từ hoặc cụm danh từ hay không?
– Phần vị ngữ có nêu được đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật được nêu ở chủ ngữ không?
Nếu đảm bảo hai yếu tối trên thì đó chính là câu kể dạng Ai thế nào?
2. Dạng bài xác định các thành phần trong câu.
Dựa trên hai yếu tố sau để phân định các thành phần chủ vị trong câu:
– Chủ ngữ thường là danh từ hoặc cụm danh từ
– Vị ngữ thường nêu đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật được nêu ở chủ ngữ.
3. Dạng bài đặt câu kể Ai thế nào?
– Câu kể phải có nội dung phù hợp với yêu cầu của đề bài.
– Câu kể phải đảm bảo hai yếu tố về cấu tạo sau:
+ Chủ ngữ thường là danh từ hoặc cụm danh từ
+ Vị ngữ thường nêu đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật được nêu ở chủ ngữ.
Gợi ý làm bài tập SGK
I. Nhận xét
Câu 1 trang 36 SGK Tiếng Việt 4 tập 2. Tìm các câu kể “Ai thế nào?” trong đoạn văn sau:
Ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Cả một vùng bát ngát cờ, đèn và hoa. Những dòng người từ khắp các ngả tuôn về vườn hoa Ba Đình. Các cụ già vẻ mặt nghiêm trang. Những cô gái thủ đô hớn hở, áo màu rực rỡ.
Theo Võ Nguyên Giáp
Gợi ý trả lời:
Các câu kể Ai thế nào?
– Hà Nội tưng bừng màu đỏ.
– Cả một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa.
– Các cụ già vẻ mặt nghiêm trang.
– Những cô gái thủ đô hớn hở, áo màu rực rỡ.
Câu 2 trang 36 SGK Tiếng Việt 4 tập 2. Xác định chủ ngữ của những câu vừa làm:
Gợi ý trả lời:
– Hà Nội
– Cả một vùng trời
– Các cụ già
– Những cô gái thủ đô
Câu 3 trang 36 SGK Tiếng Việt 4 tập 2. Chủ ngữ trong các câu trên biểu thị nội dung gì? Chúng do các từ ngữ nào tạo thành?
Gợi ý trả lời:
Chủ ngữ trong các câu trên chỉ những sự vật có đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái được nêu ở vị ngữ.
Chúng do danh từ riêng và các cụm danh từ tạo thành.
II. Luyện tập
Câu 1 (trang 37 sgk Tiếng Việt 4 tập 2): Tìm chủ ngữ của các câu “ai thế nào?” trong đoạn văn đã cho (SGK TV4 tập 2 trang 37)
Gợi ý trả lời:
Chủ ngữ của các câu kể “ai thế nào” trong đoạn văn là những cụm danh từ chỉ vật hoặc các bộ phận của con vật (con chuồn chuồn), màu sắc của con vật. Từ những gợi ý trên, em đọc đoạn văn để xác định chủ ngữ.
– Màu vàng trên lưng chú // lấp lánh.
– Bốn cái cánh // mỏng như giấy bóng
Cái đầu // tròn và hai con mắt // long lanh như thủy tinh.
– Thân chú // nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu.
– Bốn cánh // khẽ rung rung như còn đang phân vân.
Câu 2 (trang 37 sgk Tiếng Việt 4 tập 2): Kể một loại trái cây mà em thích khoảng 5 câu có sử dụng câu kể kiểu “ai thế nào?”
Gợi ý trả lời:
Những năm gần đây ở quê em xuất hiện một loại sầu riêng có tên gọi là “sầu riêng hạt lép cơm vàng”. Đúng là một loại trái cây quý hiếm. Hương vị của nó nổi trội hơn nhiều so với sầu riêng trước đây. Múi của nó vàng như nắng mùa hạ. Hạt thì to bằng móng tay cái nhưng lép kẹp. Múi dày, thơm. Vị của nó rất đặc biệt nên giá cả khá cao. Thị trường rất ưa chuộng”.
***
Soạn bài Luyện từ và câu: Chủ ngữ trong câu kể Ai thế nào trang 36 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 được Đọc tài liệu biên soạn và chia sẻ phía trên, giúp các em học sinh hình dung lại các kiến thức cùng định hướng làm bài tập thực hành hữu ích nhất. Chúc các em sẽ học tốt môn Tiếng Việt lớp 4.
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Soạn Văn