Mặt trời mọc đằng Đông, lặn đằng Tây. Như vậy, câu hỏi đặt ra là: có phải Mặt trời chuyển động còn Trái đất đứng yên?
Bài viết dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu làm thế nào để biết được một vật chuyển động hay đứng yên. Tính tương đối của chuyển động và đứng yên là như thế nào?
Bạn đang xem bài: Chuyển động cơ học là gì? Tính tương đối của chuyển động và đứng yên – Vật lý 8 bài 1
I. Làm thế nào để biết một vật chuyển động hay đứng yên.
• Muốn nhận biết 1 vật chuyển động hay đứng yên phải dựa vào vị trí của vật đó so với vật được chọn làm mốc (vật mốc). Vật mốc là những vật gắn với trái đất, nhà cửa, cột mốc, cây bên đường,…
• Khi vị trí của vật so với vật mốc thay đổi theo thời gian thì vật chuyển động so với vật mốc gọi là chuyển động cơ học (chuyển động).
• Vật không chuyển động so với vật mốc gọi là vật đứng yên.
– Thường chọn Trái đất và những vật gắn với Trái đất làm vật mốc
* Câu C2 trang 5 SGK Vật Lý 8: Hãy tìm ví dụ về chuyển động cơ học, trong đó vật được chọn làm mốc.
° Lời giải:
* Ví dụ về chuyển động cơ học:
– Xe ô tô chuyển động trên đường, vật mốc là cột điện bên đường.
– Tàu chuyển động trên đường ray, vật mốc là nhà cửa ven đường ray.
– Một chiếc thuyền trên sông, vật mốc là bến đò.
* Câu C3 trang 5 SGK Vật Lý 8: Khi nào một vật được coi là đứng yên? Hãy tìm ví dụ về vật đứng yên, trong đó chỉ rõ vật được chọn làm mốc.
° Lời giải:
– Ta nói vật đứng yên khi vị trí của nó không thay đổi so với vật chọn làm mốc.
– Chẳng hạn ta nói chiếc xe ô tô đỗ trong bến xe là vật đứng yên nếu chọn bến xe là vật làm mốc.
II. Tính tương đối của chuyển động hay đứng yên
• Một vật có thể là chuyển động so với vật này nhưng lại là đứng yên đối với vật khác.
• Chuyển động hay đứng yên có tính tương đối tùy thuộc vật được chọn làm mốc.
¤ Hành khách ngồi trên một toa tàu đang rời khỏi nhà ga (hình 1.2 SGK) – trả lời câu C4 và C5.
* Câu C4 trang 5 SGK Vật Lý 8: So với nhà ga thì hành khách chuyển động hay đứng yên? Tại sao?
° Lời giải:
– Nếu so với nhà ga thì hành khách đang chuyển động vì vị trí của hành khách so với nhà ga thay đổi.
* Câu C5 trang 5 SGK Vật Lý 8: So với toa tàu thì hành khách chuyển động hay đứng yên? Tại sao?
° Lời giải:
– Nếu so với toa tàu thì hành khách đứng yên vì vị trí của hành khách so với toa tàu là không thay đổi.
* Câu C6 trang 5 SGK Vật Lý 8: Hãy dựa vào các câu trả lời trên để tìm từ thích hợp cho các chỗ trống của câu nhận xét sau đây: Một vật có thể là chuyển động ….. nhưng lại là ….. đối với vật khác.
° Lời giải:
– Một vật có thể là chuyển động cơ học so với vật làm mốc này nhưng lại là đứng yên đối với vật khác.
* Câu C7 trang 5 SGK Vật Lý 8: Hãy tìm thí dụ để minh họa cho nhận xét trên.
° Lời giải:
– Hành khách ngồi trên ô tô đang chạy, thì hành khách chuyển động so với cột đèn giao thông (nhà bên đường, cây bên đường,…) do vị trí của hành khách so với cột đèn thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, hành khách đứng yên so với bác tài (ghế ngồi trên xe, vô lăng xe, …) do vị trí của hành khách so với bác tài không thay đổi.
– Tàu chở các kiện hàng chạy trên sông, các kiện hàng đứng yên so với con tàu nhưng lại là chuyển động so với cây cối bên bờ sông.
* Câu C8 trang 5 SGK Vật Lý 8: Trả lời câu hỏi ở đầu bài: Mặt Trời mọc ở đằng Đông
° Lời giải:
¤ Không thể kết luận được vì nó tùy thuộc vào vật làm mốc.
– Nếu chọn mặt đất là vật làm mốc thì Mặt Trời chuyển động từ đông sang tây.
– Nếu chọn Mặt Trời là vật làm mốc thì Trái Đất chuyển động xoay từ tây sang đông.
III. Một số chuyển động thường gặp
• Đường mà vật chuyển động vạch ra gọi là quỹ đạo chuyển động
• Các dạng chuyển động thường gặp:
– Chuyển động thẳng: quĩ đạo là đường thẳng
– Chuyển động cong: quĩ đạo là đườngcong
– Chuyển động tròn: quĩ đạo là đường tròn
* Câu C9 trang 6 SGK Vật Lý 8: Hãy tìm thí dụ về chuyển động thẳng, chuyển động cong, chuyển động tròn thường gặp trong đời sống.
° Lời giải:
– Chuyển động thẳng: Chuyển động một vật được thả từ trên cao xuống
– Chuyển động cong: Chuyển động quả cầu lông
– Chuyển động tròn: Chuyển động của cánh quạt quay
IV. Vận dụng chuyển động cơ học
* Câu C10 trang 6 SGK Vật Lý 8: Mỗi vật trong hình 1.4 chuyển động so với vật nào? Đứng yên so với vật nào?° Lời giải:
– Ô tô: Đứng yên so với người lái xe; chuyển động so với người đứng bên đường và cột điện.
– Người lái xe: Đứng yên so với ôtô; chuyển động so với người bên đường và cột điện.
– Người đứng bên đường: Đứng yên so với cột điện; chuyển động so với ô tô và người lái xe.
– Cột điện: Đứng yên so với người đứng bên đường; chuyển động so với ô tô và người lái xe.
* Câu C11 trang 6 SGK Vật Lý 8: Có người nói: “Khi khoảng cách từ vật tới vật mốc không thay đổi thì vật không chuyển động so với vật mốc”. Theo em nói như thế là đúng hay sai? Hãy tìm ví dụ minh họa cho lập luận của mình.
° Lời giải:
– Nói như vậy là SAI.
– Ví dụ xét chuyển động của đầu kim đồng hồ quanh trục đồng hồ, mặc dù khoảng cách từ đầu kim đến trục không đổi nhưng theo thời gian vị trí của đầu kim so với trục đồng hồ thay đổi nên ta vẫn nói đầu kim chuyển động so với trục.
Như vậy, sau bài viết về Chuyển động cơ học là gì? Tính tương đối của chuyển động và đứng yên; các em cần nhận biết được thế nào là 1 vật chuyển động hay đứng yên, vật đó chuyển động so với mốc nào và đứng yên so với mốc nào (thể hiện tính tương đối của chuyển động) để vận dụng giải các bài tập cơ bản.
¤ Các bài viết cùng chương I: » Bài 2: Vận Tốc » Bài 3: Chuyển Động Đều – Chuyển Động Không Đều » Bài 4: Biểu Diễn Lực » Bài 5: Sự Cân Bằng Lực – Quán Tính ¤ Có thể bạn muốn xem: |
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Tổng hợp