Đề bài: Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Ông đồ
Bạn đang xem bài: Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Ông đồ
Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Ông đồ
I. Dàn ý Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Ông đồ (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về bài thơ “Ông đồ” và khổ thơ cuối.
2. Thân bài
– Sự vắng bóng của ông đồ:
+ Hình ảnh “hoa đào” xuất hiện ở khổ thơ cuối tạo kết cấu đầu cuối tương ứng
+ Mùa xuân về theo quy luật của tự nhiên, thế nhưng “cảnh còn người mất”.
+ Câu thơ “Không thấy ông đồ xưa” ngắn gọn nhưng lại lột tả trọn vẹn cảm xúc bâng khuâng, lưu luyến của nhà thơ Vũ Đình Liên.
→ Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân không còn mang không khí náo nức, xao xuyến như ở khổ thơ đầu mà nó thấm đượm tâm trạng của con người, đó là nỗi xót thương, nỗi → Ông đồ bị lãng quên, trở thành “lớp người xưa cũ” trước sự đổi thay của thời thế và lòng người.
– Niềm thương cảm của nhà thơ với ông đồ và một “kiếp người xưa cũ”:
+ “Những người muôn năm cũ”, câu hỏi không hướng đến một đối tượng cụ thể nào, đây chính là câu hỏi nhà thơ muốn hỏi những người trong xã hội đương thời, hỏi thời đại và cũng là lời tự vấn của chính mình.
+ Câu hỏi tu từ “Hồn ở đâu bây giờ” như tiếng gọi đồng vọng của tác giả với ông đồ, những người đã làm nên những giá trị tốt đẹp cho non sông, đất nước.
→ Câu hỏi chứa đựng cảm xúc xót xa và cả những ngậm ngùi, day dứt.
3. Kết bài
Cảm nhận chung về nội dung và nghệ thuật của khổ thơ
II. Bài văn mẫu Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Ông đồ (Chuẩn)
“Ông đồ” là một trong những bài thơ hay nhất trong phong trào thơ Mới, bài thơ là nỗi lòng hoài cổ, tiếc thương của Vũ Đình Liên trước sự phai tàn của một giá trị văn hóa cổ truyền. Đặc biệt, trong khổ thơ cuối của bài, nhà thơ đã bộc lộ được tâm trạng bâng khuâng, tiếc nuối cho những “kiếp người xưa cũ” như ông đồ bị quên lãng bởi sự đổi thay của thời cuộc.
Hình ảnh hoa đào được xuất hiện 2 lần ở khổ thơ mở đầu và kết thúc bài thơ. Nếu như hình ảnh hoa đào ở đầu bài thơ gắn liền với sự xuất hiện của ông đồ bên mực tàu, giấy đỏ thì trong khổ thơ cuối, hoa đào lại gợi ra vắng bóng của ông đồ cũng như sự lụi tàn của nền Nho học.
“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa”
Một mùa xuân nữa lại về theo quy luật của tự nhiên, sắc thắm của hoa đào vẫn rực rỡ như vậy. Thế nhưng “cảnh còn người mất”, ông đồ không còn xuất hiện trên phố quen thuộc của ngày nào. Câu thơ “Không thấy ông đồ xưa” ngắn gọn nhưng lại lột tả trọn vẹn cảm xúc bâng khuâng, lưu luyến của nhà thơ Vũ Đình Liên hay cũng chính là tâm trạng chung của tất cả độc giả. Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân không còn mang không khí náo nức, xao xuyến như ở khổ thơ đầu mà nó thấm đượm tâm trạng của con người, đó là nỗi xót thương, nỗi niềm hoài cổ. Đọc đến đây, chúng ta không tránh khỏi cảm giác mất mát, tiếc thương cho một kiếp người tài hoa đã bị quên lãng. Ông đồ với những nét chữ “rồng bay phượng múa” nay đã bị lãng quên, trở thành “lớp người xưa cũ” trước sự đổi thay của thời thế và lòng người.
Trong hai câu thơ cuối, nhà thơ trực tiếp bộc lộ niềm thương cảm, xót xa trước sự phai tàn của ông đồ và nền văn hóa Nho học:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Thời thế đổi thay, Nho học lụi tàn khiến cho những con người tài hoa như ông đồ bị quên lãng như Tú Xương từng viết “Thôi có ra gì cái chữ Nho – Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co…”. Trước sự đổi thay vô tình của xã hội, Vũ Đình Liên không tránh khỏi cảm giác chua xót, tiếc thương. “Những người muôn năm cũ”, câu hỏi không hướng đến một đối tượng cụ thể nào, và cũng có lẽ rằng đây chính là câu hỏi nhà thơ muốn hỏi những người trong xã hội đương thời, hỏi thời đại và cũng là lời tự vấn của chính mình. Câu hỏi tu từ “Hồn ở đâu bây giờ” như tiếng gọi đồng vọng của tác giả với ông đồ, những người đã làm nên những giá trị tốt đẹp cho non sông, đất nước. Câu hỏi chứa đựng cảm xúc xót xa và cả những ngậm ngùi, day dứt.
Như vậy, trong khổ thơ cuối bài thơ Ông đồ, nhà thơ Vũ Đình Liên đã thể hiện được tấm lòng trắc ẩn, xót thương cho những lớp người “xưa cũ” như ông đồ, đó còn là sự tiếc nuối trước sự tàn phai của những giá trị văn hóa tốt đẹp đã bị quên lãng. Bài thơ đã gợi ra “mối sầu vạn kỉ”, đánh thức trong mỗi chúng ta những “rung cảm tâm linh của giống nòi” và ý thức gìn giữ, bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
—————–Tổng kết——————
Để thấy được sự đối lập của hình ảnh ông đồ thời đắc ý và khi thất thế cũng như nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ Vũ Đình Liên, bên cạnh bài Cảm nhận bài thơ Ông đồ trên đây, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Cảm nhận khổ thơ 1 2 bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên, Hoàn cảnh sáng tác bài Ông đồ, Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ Ông đồ, Cảm nhận về bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên.
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Giáo dục