Trong tiết kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 120 Tiếng Việt 5 tập 2, các em sẽ được học cách kể một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ có tài. Cùng tham khảo bài hướng dẫn dưới đây của Đọc tài liệu để chuẩn bị cho tiết học em nhé!
- Soạn bài tập làm văn tuần 28 trang 88 SGK Tiếng việt lớp 3
- Chính tả Nghe – viết: Một chuyên gia máy xúc trang 46
- Hướng dẫn giải bài Luyện từ và câu từ trái nghĩa, dấu chấm, dấu phẩy Tiếng Việt 2 tập 2
- Người làm đồ chơi trang 135 SGK Tiếng Việt 2 tập 2
- Hướng dẫn làm bài văn tả con chó Alaska đáng yêu
Bạn đang xem bài: Soạn bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 120
I. Hướng dẫn kể chuyện đã nghe hoặc đã đọc về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ có tài
1. Tìm truyện về phụ nữ:
– Truyện về những phụ nữ anh hùng : Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh. Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định,…
– Truyện về các nhà hoạt động xã hội, văn hoá, khoa học nổi tiếng là phụ nữ : Nguyên phi Ỷ Lan, nhà thơ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Đoàn Thị Điểm, nữ bác học Ma-ri Quy-ri,…
– Truyện về những phụ nữ bình thường mà đảm đang, tài trí.
– Truyện về các bạn nữ thông minh, tài giỏi : Con gái (Tiếng Việt 5, tập hai), Lớp trưởng lớp tôi (Tiếng Việt 5, tập hai).
2. Lập dàn ý cho câu chuyện:
Em có thể lập dàn ý để kể chuyện theo một trong hai cách sau :
a) Kể một câu chuyện cụ thể :
– Mở bài : Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh diễn ra câu chuyện.
– Thân bài : Nêu diễn biến của câu chuyện (cử chỉ, việc làm, lời nói và suy nghĩ của nhân vật).
– Kết bài : Nêu kết quả hành động của nhân vật hoặc cảm nghĩ của em về nhân vật.
b) Giới thiệu chân dung nhân vật :
– Mở bài : Giới thiệu chung về nhân vật.
– Thân bài : Nêu từng đặc điểm của nhân vật và lấy ví dụ minh hoạ
– Kết bài : Nêu cảm nghĩ về nhân vật.
3. Dựa vào dàn ý, kể thành lời.
Khi kể, cần chú ý:
– Chọn từ ngữ phù hợp với nhân vật, hoàn cảnh.
– Thể hiện bằng giọng kể tự nhiên ; có thể kết hợp lời kể với điệu bộ, cử chỉ, nét mặt để lôi cuốn người nghe..
II. Hướng dẫn làm bài tập SGK
Đề bài: Kể một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ có tài.
Gợi ý :
Học sinh có thể lập dàn ý để kể chuyện theo một trong hai cách sau:
* Kể một câu chuyện cụ thể:
– Mở bài: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh diễn ra câu chuyện.
– Thân bài: Nêu diễn biến của câu chuyện (cử chỉ, việc làm, lời nói và suy nghĩ của nhân vật.
– Kết bài: Nêu kết quả hành động của nhân vật hoặc cảm nghĩ của em về nhân vật.
* Giới thiệu chân dung nhân vật:
– Mở bài:
Giới thiệu chung về nhân vật.
– Thân bài: Nêu từng đặc điểm của nhân vật và lấy ví dụ minh hoạ cho mỗi đặc điểm đã nêu.
– Kết bài: Nêu cảm nghĩ về nhân vật.
Bài làm tham khảo
Võ Thị Sáu
Đất nước Việt Nam trải qua hơn 4000 năm lịch sử với biết bao biến cố, thăng trầm, chịu rất nhiều cuộc xâm lăng của các nước lớn. Nhân dân ta tuy hiền lành tay cuốc, tay cày nhưng khi có kẻ thù giày xéo quê hương, lòng yêu nước lại trỗi dậy “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước”. Trong làn sóng yêu nước ấy sinh ra biết bao vị anh hùng. Một trong những vị anh hùng làm em cảm phục là chị Võ Thị Sáu.
Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tại xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Vũng Tàu – Côn Đảo. Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi rồi nhanh chóng trở thành nữ chiến sĩ trinh sát nổi tiếng gan dạ của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1950, chị Sáu bị địch bắt trong lúc đang tham gia trận đánh tiêu diệt tề ở chợ quê gần nhà mình. Hơn 1 năm bị giam cầm trong khám Chí Hòa, “nếm” đủ thứ đòn roi và đủ “mùi” tra tấn…, nhưng chị Võ Thị Sáu vẫn nêu cao tấm gương dũng cảm vươn lên, không khuất phục kẻ thù.
Tháng 4 năm 1951, thực dân Pháp đưa chị Sáu ra tòa án binh xét xử. Phiên tòa không có luật sư, không có công chúng, chỉ với sự hiện diện của 2 tên tay sai hội tề làm nhân chứng với bồi thẩm đoàn, công tố và hiến binh, nhưng chánh án vẫn kết tội “Võ Thị Sáu tham dự vụ giết hại các nhà chức trách ở Đất Đỏ” và tuyên án tử hình. Lúc bấy giờ, bản án tử hình người con gái chưa đến tuổi thành niên đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, kẻ thù run sợ không dám xử bắn chị Sáu tại Sài Gòn.
Sáng 21/1/1952, chị Sáu bị lính lê dương còng tay, áp tải xuống một chiếc tàu chở hàng Tết ra đảo. Trong 9 năm kháng chiến, đây là nữ tử tù đầu tiên, duy nhất và trẻ tuổi nhất bị giặc Pháp xiềng chặt vào boong tàu… đưa ra Côn Đảo hành hình! Sáng sớm ngày 22/1/1952, chị Võ Thị Sáu có mặt tại Côn Đảo, chúa đảo Jarty khét tiếng khôn ngoan, xảo quyệt…, không dám đưa người con gái nhỏ bé này về giam chung ở nhà banh mà cách ly tại xà lim sở Cò. Thời điểm ấy, chỉ còn đúng 5 ngày nữa là đón giao thừa, nhưng chúa đảo vẫn quyết định xử bắn tù nhân. Đến ngày xử bắn, khoảng 4 giờ sáng, xếp Lé mở cửa xà lim. Chị Sáu đã sẵn sàng trong bộ quần áo bà ba trắng toát. Chúa đảo Giắc-ty, cò cô-pơ-lanh chúa ngục Pác-xi, chủ sở điều tra Đuy-lây, cố đạo Pháp cùng bọn gác-điêng… Bọn chúng đến đông đủ vì hiếu kỳ? Vì ngạc nhiên? Vì kính phục? Vì đầu tiên có một người phụ nữ còn dưới tuổi thành niên bị bắn ở ngoài đảo khơi xa cách đất liền này. Chúng sợ việc hành quyết chị Sáu trong đất liền sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu, Giắc-ty hỏi chị Sáu:
– Có khai gì nữa không?
– Không. Chúa ngục Pác-xi rót rượu đưa mời chị Sáu:
– Một lát nữa cô sẽ bị xử bắn. Cô uống đi một cốc, hơi rượu sẽ làm cô thêm can đảm. Chị Sáu mỉm cười, trả lời:
– Rất cảm ơn? Nếu các ông cần rượu để có thêm can đảm, xin mời cứ tự nhiên. Pác-xi kinh ngạc, trố mắt nhìn cô gái. Bọn chúng dẫn chị đi trước, hai tay không bị xích. Xếp Lé đeo súng đi kèm.
Cố đạo Tây xin phép được làm lễ rửa tội cho chị Võ Thị Sáu. Chị nói:
– Tôi không có tội. Yêu nước không phải là một tội. Nhìn những người đang đào huyệt cho chị, chị dừng lại hỏi họ:
– Huyệt của tôi? Những người đào huyệt nghẹn ngào không dám trả lời. Chị rút bông hoa gài trên mái tóc, đưa cho mấy người lính tù.
– Tặng mấy anh bông hoa này. Cảm ơn các anh đã đào huyệt cho tôi. Hôm nay mấy anh mới đào một cái nhỏ. Nhưng ngày mai, mấy anh cần đào một cái huyệt thật to… Những người tù ngơ ngác nhìn nhau. Chị Sáu nháy mắt, hất hất về phía bọn Pháp:
– Một cái huyệt thật to để chôn những kẻ bắn tôi hôm nay…
Chị đã đến với cái chết bằng lời ca. Với khí phách hiên ngang, bất khuất. Trước họng súng, chị hô vang những lời ca cuối cùng “Hồ chủ tịch muôn năm”.
Cái chết của chị Võ Thị Sáu cùng bao tấm gương anh hùng khác đã trở thành bất tử. Chị đã hi sinh nhưng tấm gương yêu nước, bất khuất kiên trung của chị còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, sống mãi với thời gian. Noi gương chị, lớp lớp thiếu niên chúng em nguyện sẽ ra sức học tập, rèn luyện để dựng xây đất nước ta ngày càng giàu mạnh.
*********
Trên đây là hướng dẫn bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 120 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 mà Đọc tài liệu tổng hợp, hy vọng có thể giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn để có những tiết học bổ ích và vui vẻ. Chúc em luôn học tốt và đạt kết quả cao!
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Soạn Văn