Tài liệu hướng dẫn phân tích bài thơ Cảnh khuya gồm những gợi ý chi tiết phân tích đề, lập dàn ý và tuyển chọn những bài văn hay phân tích nội dung, nghệ thuật của bài thơ Cảnh khuya (Hồ Chí Minh).
Cùng tham khảo ngay…
Bạn đang xem bài: Phân tích bài thơ Cảnh khuya (Hồ Chí Minh)
Hướng dẫn phân tích bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh
Đề bài: Phân tích bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.
1. Phân tích đề
– Yêu cầu: phân tích nội dung, nghệ thuật bài thơ Cảnh khuya.
– Đối tượng, phạm vi đề bài: các câu thơ, từ ngữ, chi tiết tiêu biểu trong bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.
– Phương pháp lập luận chính: Phân tích.
2. Hệ thống luận điểm
– Luận điểm 1: Bức tranh thiên nhiên cảnh khuya Việt Bắc
– Luận điểm 2: Tâm trạng của nhân vật trữ tình (thi nhân)
Lập dàn ý chi tiết phân tích Cảnh khuya
Mở bài phân tích bài Cảnh khuya
– Giới thiệu sơ lược về Hồ Chí Minh
+ Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là vị lãnh tụ tài ba vĩ đại, một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.
– Giới thiệu về bài thơ Cảnh khuya:
+ Cảnh khuya (1947) là một trong những bài thơ trăng đẹp nhất của Bác, thể hiện cảm hứng yêu nước mãnh liệt dạt dào ánh sáng và âm thanh, niềm thao thức “lo nỗi nước nhà” của Người.
Thân bàiphân tích bài Cảnh khuya
* Bức tranh thiên nhiên cảnh khuya Việt Bắc
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
– Cảnh khuya núi rừng Tây Bắc được miêu tả hết sức đặc sắc:
+ Âm thanh: tiếng suối trong rừng xa xa vọng lại như tiếng hát của người con gái trong trẻo ngân vang.
-> Tác giả so sánh tiếng suối với tiếng hát xa làm cho cảnh khuya không hoang vắng mà mang sức sống ấm áp của con người.
=> Nghệ thuật lấy động để tả tĩnh để làm nổi bật cảnh khuya thanh vắng.
+ Hình ảnh: Ánh trăng đêm khuya tạo thành những bóng hoa trên mặt đất
-> Điệp từ “lồng” nhấn mạnh sự xuyên tỏa của ánh sáng trăng khuya, sự giao hòa, quấn quýt giữa cảnh vật
-> Sự hòa quyện giữa cảnh trăng trầm mặc, huyền ảo với thiên nhiên núi rừng Việt Bắc.
=> Với bốn nét vẽ (suối, trăng, cổ thụ, hoa) chấm phá, tả ít gợi nhiều, cảnh khuya chiến khu Việt Bắc hiện lên với cái hồn cảnh vật núi rừng một đêm thu về khuya hơn 50 năm về trước, vẻ đẹp cổ điển biểu hiện một tâm hồn thanh cao, một phong thái ung dung tự tại, một tình yêu thiên nhiên chan hòa, dào dạt của nhà thơ Hồ Chí Minh trong kháng chiến gian khổ.
* Tâm trạng của nhân vật trữ tình (thi nhân)
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
– “chưa ngủ” : nỗi thao thức, tâm trạng đầy bất trắc, âu lo không yên bình.
+ “chưa ngủ” vì “cảnh khuya như vẽ” đã dẫn hồn thi nhân vào cõi mộng say trăng, say thiên nhiên.
+ “chưa ngủ” còn vì một nỗi sâu xa hơn vì “lo nỗi nước nhà”. Không phải người thức để ngắm cảnh mà vì Người đang lo nỗi nước nhà, lo ngày mai chiến tranh, lo ngày mai có giành được độc lập cho dân tộc hay không.
-> Chỉ có chưa ngủ thì Người mới có thể tả hết được cảnh đẹp đêm khuya.
=> Câu thơ thứ ba có dấu phẩy ở giữa như cắt ngang hai sự đối lập nhau: sự hài hòa của thiên nhiên và tâm trạng đầy âu lo của nhà thơ, thể hiện tình yêu thiên nhiên thiết tha, tình yêu nước sâu nặng, bình dị, thấm thía của Bác.
Kết bài phân tích bài Cảnh khuya
– Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ
+ Nội dung: Bài thơ miêu tả cảnh trăng sáng ở chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Bác Hồ
+ Đặc sắc nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt; hình ảnh thiên nhiên mang màu sắc cổ điển mà vẫn đẹp, gần gũi, bình dị; ngôn ngữ giản dị, trong sáng; biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ…
– Cảm nhận của em về bài thơ.
Sơ đồ tư duy phân tích bài thơ Cảnh khuya
Một số bài văn hay phân tích Cảnh khuya
Phân tích Cảnh khuya bài số 1:
Là vị chủ tịch kháng chiến giàu tâm hồn thơ, Bác Hồ thường dùng ngòi bút ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và bày tỏ lòng yêu nước trước vận mệnh của đất nước. “Cảnh khuya” là một trong những bài thơ hay tiêu biểu của Bác, được viết năm 1947 ở Chiến khu Việt Bắc – căn cứ địa Cách mạng trong thời chống Pháp:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Chiến khu Việt Bắc – đó là đầu não của cuộc kháng chiến chống xâm lược, là nơi chỉ đạo đấu tranh của Cách mạng. Nhưng không phải vì vậy mà Việt Bắc chỉ trang nghiêm và bận rộn vì những hội nghị quan trọng của trung ương. Đến với Việt Bắc trước hết là đến với núi rừng, với thiên nhiên hoang sơ nhưng rất hào phóng tạo ra những cảnh đẹp diệu kì. Hơn ai hết, Bác của chúng ra hiểu điều đó, và vì vậy trong cảnh khuya, người đã thể hiện một Việt Bắc đẹp như tranh vẽ:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Giữa đêm rừng Việt Bắc thanh vắng, tiếng suối ở đâu róc rách, rì rào… Lúc ấy, tiếng suối ngân vang trong trẻo như chiếm lĩnh cả không gian rừng khuya yên vắng. Hai thanh trắc (tiếng suối) đến hai thanh bằng (trong thơ) rồi lại tiếp tục như vậy (tiếng hát), câu thơ đầu trong “Cảnh khuya” dường như mang cả âm thanh bổng trầm của tiếng suối chảy. Tiếng suối trong đêm ấy là Bác liên tưởng mới lạ của Bác liên tưởng đến âm thanh gì? Đó chẳng phải là cung đàn đơn lẻ, mà đối với Bác, âm thanh trong ngần ấy như “tiếng hát xa”. Lạ lùng làm sao, nhưng chính liên tưởng mới lạ của Bác đã giúp ta hiểu được rằng dù Việt Bắc có gian lao đến đâu, những tiếng suối – tiếng hát của rừng núi của các chiến sĩ đồng bào luôn vang xa trong đêm vắng, trong trẻo lạc quan… Âm thanh trong thơ Bác không lẻ loi như tiếng đàn cầm trong thơ Nguyễn Trãi mà vang lên như có sức sống, đầy vui tươi. Trong tiếng vang róc rách, thiên nhiên như phô bày hết vẻ đẹp trong sáng của mình: “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”. Hình ảnh “Trăng lồng cổ thụ” mang nét truyền thống của thơ cổ, khi kết hợp với hoa, hình ảnh ấy đã tạo nên vẻ đẹp đầm ấm, quấn quýt của thiên nhiên. Hai từ “lồng” liên kết ba sự vật xa nhau, khác hẳn nhau nhưng không tại tương phản mà dường như chúng hòa quyện lại, vẻ đẹp tôn nét đẹp kia vẽ nên một bức tranh trong sáng. Đọc câu thơ, ta có cảm giác như đang lạc vào chốn tiên, tận hưởng những đường nét, ánh sáng diệu kì mà thiên nhiên Việt Bắc vẽ nên, và ta còn có cảm giác tiếng suối cũng bay bổng, quấn quýt với hình ảnh “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”. Cảnh vật trong thơ Bác sao mà thân thiết với nhau đến thế! Mỗi nét đều nâng vẻ đẹp của nét khác nên, cái tĩnh hòa vào cái động, cái động làm nổi bật cái tĩnh, mảng sáng chén mảng tối tạo thành một tổng thể hoàn hảo lạ lùng.. Đâu phải ai cũng nhìn thấy điều ấy. Bác đã nghe và ngắm cảnh vật Việc Bắc trong đêm khuya bởi Bác thức cùng Việt Bắc.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Câu thứ ba trong bài thất ngôn tứ tuyệt là một câu chuyển, Ở đây, nhà thơ đã tạo ra một hình thức chuyển tiếp mới giữa những ý thơ rất uyển chuyển, độc đáo. “Cảnh khuya như vẽ…” – Với bốn chữ đầu câu này, Bác muốn nói gì? Cảnh vật như được vẽ nên hay cảnh vật muốn vẽ nên cái gì đó ngoài vẻ đẹp đẹp của chính mình? Có lẽ điều đó không quan trọng, bởi vì chúng ta có bao nhiêu cách hiểu về những ý thơ “gợi mở” của Bác. Điều quan trọng là câu thơ chuyển từ tả cảnh sang tả tình. “Người chưa ngủ” trong một cảnh khuya tuyệt vời đến như vậy phải chăng chỉ là để cùng sống với thiên nhiên? Câu trả lời đến thật đơn giản nhưng mang bản sắc riêng của vị lãnh tụ kháng chiến cao cả: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Hai từ “chưa ngủ” được lặp lại một lần nữa , nối tiếng và nhấn mạnh cho câu thơ trên. Cảnh khuya đẹp thật đấy, và con mắt bác đã thu hết cảnh vật ấy vào tâm hồn của mình, nhưng trong lòng bác còn có một nỗi niềm thao thức lớn – đó là “nỗi nước nhà”, là vận mệnh của cả dân tộc, là cuộc chiến đấu còn vô vàn thử thách gian lao. Dấu ngã trong từ “nỗi” có một cái gì đó như day dứt, trăn trở kéo dài, và tuy không xoáy vào tâm trí ta như dấu hỏi nhưng nó cũng thể hiện tâm trạng băn khoăn, day dứt dìu dặt, trong hình ảnh quấn quýt đầm ấm của đêm rừng Việt Bắc, nỗi thao thức của người như lớn dần lên, ngày càng day dứt không nguôi.
Tấm lòng Người dành cho đất nước là như vậy. Những gì thuộc về tổ quốc đã trở thành nỗi lo, thành tình thương của Bác. Bác bày tỏ lòng mình trong “Cảnh khuya”, như muốn nói: cảnh vật thiên nhiên của chúng ta diệu kì như vậy đấy, và chính vì vẻ đẹp của núi rừng càng làm cho niềm thao thức của người lớn hơn, canh cánh bên lòng – làm sao để gìn giữ vẻ đẹp ấy, làm sao để giang sơn mãi bình yên như bức tranh Việt Bắc trong đêm? Nỗi lo không làm cho những vần thơ tả cảnh mất đi nét đẹp lung linh trong sáng – điều đó thể hiện con người bác, tâm hồn thơ và tâm hồn lãnh tụ luôn hòa hợp.
Xem thêm: Cảm nghĩ về tác phẩm Cảnh khuya
Phân tích Cảnh khuya bài số 2:
Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là một con người có tâm hồn nghệ sĩ. Người có tình yêu thiết tha với thiên nhiên vạn vật, ngay lúc còn trong ngục tối, thời gian bị giam hãm nhưng đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, bằng những rung cảm mãnh liệt Bạc đã tạo ra những bài thơ tuyệt tác. Cho đến những ngày hoạt động ở chiến khu Việt Bắc đầy gian lao, vất vả nhưng tâm hồn Bác vẫn không thôi hướng về thế giới. Và bài thơ Cảnh khuya là một trong những bài thơ được tạo ra từ những rung động trước cuộc sống như thế.
Bài thơ Cảnh khuya được viết bằng chữ quốc ngữ mang đậm tính hiện đại. Cũng vẫn là khung cảnh núi rừng Việt Bắc nhưng lại là khung cảnh thiên nhiên ở một chiều kích không gian khác. Mở đầu bài thơ là âm thanh vang vọng núi rừng:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Tiếng suối hay tiếng người? Có lẽ là cả hai âm thanh này đã hòa quyện vào nhau chăng? Thật khó để có thể phân biệt được. Trường liên tưởng và sự so sánh của Bác thật đặc biệt mà cũng thật đúng, tạo nên hình ảnh thơ sinh động, làm sống động cả khung cảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc. Đọc câu thơ này ta lại bất giác nhớ đến câu thơ của Nguyễn Trãi:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Nếu như trong hai câu thơ của Nguyễn Trãi lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp, của sự toàn mĩ thì ngược lại trong thơ Bác lại lấy con người làm chuẩn mực của cái đẹp. Đây có thể coi là một bước tiến, đánh dấu sự chuyển mình của thơ ca hiện đại. Bác đã so sánh tiếng suối với tiếng hát một cách tinh tế, gợi cảm, hình ảnh so sánh này khiến cho âm thanh của tiếng suối xa càng trở nên gần gũi, thân mật với con người hơn.
Câu thơ tiếp theo lại cho thấy sự hòa hợp, hòa quyện của cảnh vật: Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa. Cảnh vật thiên nhiên vô cùng huyền ảo, chúng đan cài, hòa quyện vào nhau để tôn lên vẻ đẹp của nhau. Ta có thể thấy bức tranh chồng lên nhau thành nhiều tầng, nhiều lớp, đường nét, hình khối đan cài, hòa hợp với nhau đến thần kì. Có dáng cổ thụ vươn tỏa, trên cao là ánh trăng trong trẻo, lấp lánh, dưới mặt đất in hình muôn ngàn hoa cỏ, cây cối, bức tranh về đêm mà không hề tăm tối, u buồn, ngược lại đầy sinh động và tràn sức sống.
Trong khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, hữu tình ấy con người xuất hiện và đó cũng chính là hình ảnh của thi nhân. Nhà thơ say mê ngắm nhìn, chiêm ngưỡng và cảm nhận vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Dòng thơ thứ tư bất ngờ mở ra chiều sâu mới trong tâm hồn nhà thơ: Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Thì ra, Bác thao thức chưa ngủ được là còn vì đang lo lắng cho vận mệnh của nhân dân, đất nước, chính trong những phút trầm lắng suy tư đó Bác đã bắt gặp được vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật. Điệp từ “chưa ngủ” được đặt ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư như một bản lề mở ra hai dòng tâm trạng của con người: một con người say mê trước vẻ đẹp thiên nhiên, một con người đầy ắp nỗi ưu tư về sự nghiệp giải phóng đất nước. Hai khía cạnh này không mâu thuẫn mà hòa hợp thống nhất với nhau trong tâm hồn Bác. Chân dung Bác hiện lên thật đẹp đẽ, cảm động, đó là hình ảnh vị lãnh tụ hết lòng lo cho đất nước. Câu thơ đã làm sáng ngời phẩm chất, nhân cách cao đẹp của Bác.
Bài thơ có sự kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, điệp từ (lồng, chưa ngủ) nối kết hai tâm trạng, bộc lộ chiều sâu tâm hồn cao đẹp của Bác. Ngôn ngữ thơ hiện đại, giản dị mà cũng hết sức tinh tế, hàm súc.
“Cảnh khuya” đã cho ta thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, sâu nặng. Cùng với đó là tấm lòng luôn lo nghĩ cho vận mệnh đất nước, dân tộc. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và yếu tố hiện đại, tạo nên nét đặc sắc cho tác phẩm.
Xem thêm: Phân tích thiên nhiên trong Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng
Phân tích Cảnh khuya bài số 3:
Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng thiên tài của dân tộc nhưng đồng thời, Người cũng là một nhà thơ sánh vai cùng những thi nhân của Đông Tây kim cổ. Trong những năm tháng chiến đấu chống Pháp gian khổ của dân tộc, bên cạnh những chủ trương, chiến lược đánh đuổi giặc tài tình, Người còn có những vần thơ khiến lòng người rung động. “Cảnh khuya” là một thi phẩm trong số ấy:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Bài thơ ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đang hồi gay go, quyết liệt: năm 1947. Trên chiến khu Việt Bắc, sau những giờ phút mỏi mệt, trong cảnh đêm của núi rừng, Người bồi hồi xúc động trước cảnh đêm khuya êm ái. Điều đầu tiên Bác cảm nhận được nơi thiên nhiên hoang sơ là tiếng suối róc rách tuôn theo dòng chảy:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Lối so sánh của Bác thật kì lạ! Tiếng suối vốn được cảm nhận bằng thính giác nhưng nghe tiếng suối Người cảm nhận được độ “trong” của dòng chảy. Dòng suối ấy hẳn rất ngọt lành, trong mát, đó hẳn cũng là thứ quà riêng mà thiên nhiên núi rừng ban tặng riêng cho những người chiến sĩ trên đường hành quân xa xôi mệt mỏi. Chẳng những vậy, tiếng suối trong như là “trong như tiếng hát xa”. “Tiếng hát xa” là thứ âm thanh rất đặc biệt. Đó phải là tiếng hát rất cao để có sức lan tỏa mạnh mẽ, để từ xa con người vẫn có thể cảm nhận được. Đó cũng là tiếng hát vang lên trong thời khắc yên lặng bởi nếu không, nó sẽ bị lẫn vào biết bao âm thanh phức tạp của sự sống, liệu từ xa, con người còn có thể cảm nhận được? Điều thú vị trong câu thơ của Bác Hồ là một âm thanh của tự nhiên được so sánh với tiếng hát của con người. Điều đó thể hiện cảm hứng nhân văn sâu sắc trong những vần thơ của Bác.
Cảnh đêm khuya hẳn trong trẻo, tĩnh lặng đến nhường nào Người mới có thế lắng nghe được tiếng suối long lanh ấy. Điều này không khó hiểu bởi không gian núi rừng thường được bao phủ bởi nhịều âm thanh phong phú: tiếng chim kêu, tiếng gió thổi, tiếng cây rừng xao xác tiếng muông thú gọi bầy… Trong bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc”, Bác đã từng viết:
“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày”.
Vậy thì có lẽ, đây là chút yên ả hiếm hoi của thiên nhiên núi rừng vào thời khắc đêm khuya. Thiên nhiên yên tĩnh nhưng cũng là tâm hồn con người yên tĩnh, thanh thản hòa mình vào vẻ đẹp của tự nhiên. Thiên nhiên vào giây phút ấy thật hữu tình biết mấy:
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Hai từ “lồng” cùng nằm trong một câu thơ tạo những ấn tượng rất đặc biệt. “Lồng” là động từ chỉ việc các vật nằm vào trong một cách thật khớp để tạo thành một chỉnh thể. Câu thơ hữu tình như một bức tranh duyên: ánh trăng mênh mông toả sáng bao trùm lên cây cổ thụ, bóng cây cổ thụ lại dịu dàng phủ mình lên những nhành hoa. Bác dùng từ “lồng” rất “đắt”, nó trở thành “nhãn tự” cho câu thơ. Chỉ với một từ ấy, cảnh vật như đang giao hòa, nương dựa vào nhau một cách duyên dáng, đáng yêu. Đôi mắt người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh thật hữu tình, bác ái.
Cảnh khuya sống động, có hồn bao nhiêu càng chứng tỏ một điều: người thưởng cảnh đang xa rời giấc ngủ yên bình thường nhật. Bởi vậy nên:
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Cảnh khuya trong trẻo, tĩnh lặng càng làm nổi bật hình ảnh Bác Hồ thao thức không yên trong đêm vắng. Người hòa mình vào thiên nhiên để cất tiếng thơ ngợi ca thiên nhiên núi rừng song đó chỉ là giây phút phiêu du vào mây gió còn tâm hồn người thực sự đang gửi gắm ở một chân trời khác: Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Câu thơ vang lên như một sự bừng tỉnh cho người đọc. Ta cứ ngỡ Bác đang thảnh thơi thưởng cảnh chơi trăng nhưng kì thực tấm lòng người vẫn đau đáu cho nỗi niềm non nước. Bác “chưa ngủ” vì một lẽ rất Hồ Chí Minh: “vì lo nỗi nước nhà”. Nói vậy bởi Bác đã có nhiều đêm không ngủ, nhiều đêm trở trăn vì cuộc kháng chiến của dân tộc:
“Một canh, hai canh, lại ba canh
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng lành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”
Vậy là, dù có tạm để lòng mình hướng đến cảnh vật xung quanh (một lời hỏi thăm người bạn muôn đời của thi nhân kim cổ) tâm hồn Bác vẫn luôn dành trọn tâm tình cho non sông, dân tộc. Và nói như nhà thơ Minh Huệ:
“Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh”
Bài thơ khép lại với bao dư âm mênh mang lan tỏa. Đã hơn một lần chúng ta xúc động trước tấm lòng cao cả, bác ái của Bác Hồ nhưng mỗi lần đọc lại “Cảnh khuya” ta lại bồi hồi với những tâm tình của một người mà cả cuộc đời chưa bao giờ nghỉ ngơi, chưa bao giờ an mình trong giấc ngủ.
Đề văn liên quan: Phân tích tác phẩm Rằm tháng Giêng
Kiến thức mở rộng
* Khái quát về hoàn cảnh sáng tác
– Bài thơ được sáng tác vào những năm kháng chiến chống Pháp, khi Bác còn đang lo cho các cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp, đêm không ngủ được nên Bác bầu bạn với thiên nhiên và viết lên bài thơ này.
* Một số câu thơ của Bác về trăng có thể dùng trong phần liên hệ
– Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận xin chờ hôm sau.
(Tin thắng trận)
– Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
(Ngắm trăng)
Tổng kết hướng dẫn phân tích bài thơ Cảnh khuya
Trên đây là những gợi ý cách làm chi tiết cùng một số bài văn mẫu phân tích bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh do Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội tổng hợp và biên soạn. Mong rằng nội dung trên sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em hoàn thành bài văn của mình một cách tốt nhất! Chúc các em học tốt và đạt kết quả cao !
Phân tích bài thơ Cảnh khuya với hướng dẫn làm bài chi tiết và tuyển chọn những bài văn mẫu hay phân tích nội dung tác phẩm Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Tổng hợp