Đề bài: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua hình tượng con sông Đà
Bạn đang xem bài: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua hình tượng con sông Đà
Bài làm:
Nguyễn Tuân là một tác giả nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại, ở ông thấy hiện lên khái niệm về một kẻ sĩ, với ông văn chương và nghệ thuật đều phải có phong cách riêng, phải có những sáng tạo đột phá chứ không phải những gì đã đi vào lối mòn xưa cũ. Nguyễn Tuân viết văn bằng một ngòi bút tinh tế, tài hoa và uyên bác, ông không coi trọng hình thức mà thường chú tâm vào bản chất, vào cái “chất vàng” của sự vật, sự việc. Con người ông là giao hòa của cái tâm đi đôi với cái tài, trong đó lòng yêu quê hương, đất nước hiện lên thật sâu sắc, mạnh mẽ. Tác phẩm Người lái đò sông Đà là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân, mà qua hình tượng con sông Đà, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện một cách tương đối đầy đủ.
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Nguyễn Tuân – một cây bút vốn luôn khao khát những cảm giác, cảm xúc mới lạ, nồng nàn, say đắm…”, đúng là vậy, Nguyễn Tuân cho rằng lao động nghệ thuật cần phải cực kỳ tận tâm và nghiêm túc, thậm chí là “khổ hạnh” thì mới có thể cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Chuyến đi ngược về miền Tây Bắc đầy gian nan, vất vả đã thể hiện cái khao khát được “xê dịch” của Nguyễn Tuân, ông muốn tìm thấy những cái mới lạ, hoang sơ nơi rừng núi Tây Bắc, từ đó hình tượng con sông Đà hiện ra thật hùng vĩ, hoang dại cũng thật trữ tình thơ mộng, thông qua ngòi bút tài năng uyên bác của Nguyễn Tuân.
Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước hết được bộc lộ ở khía cạnh nhà văn luôn say mê những điều độc đáo của cuộc sống, của thiên nhiên cũng như vẻ đẹp của cuộc đời. Trong Người lái đò sông Đà, niềm say mê hơn người đó được thể hiện ở việc nhà văn đã phát hiện và đặc biệt say mê cái hướng chảy độc đáo của sông Đà, ông không viết rõ về nó mà lại khéo léo mượn lời thơ của Nguyễn Quang Bích làm lời đề từ cho tác phẩm cũng là lời ca ngợi cho hướng chảy độc đáo của sông Đà. Đó là câu “Chúng thủy giai đông tẩ, Đà giang độc bắc lưu”, mọi dòng sông đều chảy về Đông chỉ riêng sông Đà lại ngược về phương Bắc, như vậy ngay từ trong cái nhìn của Nguyễn Quang Bích, hiện tại là Nguyễn Tuân thì ấn tượng của ông về sông Đà đó là một dòng sông mạnh mẽ, có cá tính, độc lập dám lựa chọn cho mình một hướng đi riêng. Có thể nói tùy bút Người lái đò sông Đà là cuộc hội ngộ của những điều độc đáo, là phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân bắt gặp say mê cái nét độc láo, mới lạ của con sông Đà. Thêm nữa cái nhìn say mê độc đáo của Nguyễn Tuân còn được khắc họa cái sự đổi màu đầy độc đáo của sắc nước sông Đà qua từng thời điểm, “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”, có thể thấy trong đôi mắt tinh tế của Nguyễn Tuân, màu xuân màu nước của sông Đà là màu xanh tươi trẻ, lấp lánh ánh sáng, chứ không phải cái màu u buồn, lờ đờ các con sông khác.
Về góc nhìn thẩm mỹ, ở văn chương của Nguyễn Tuân, dù khắc họa hình ảnh con người hay thiên nhiên ông luôn tìm và khai thác những cái đẹp đẽ, điều đó thể hiện ở trong tác phẩm với hình ảnh ông lái đò hiện lên như một người nghệ sĩ tài ba còn con sông Đà thì hiện lên với tất cả những vẻ đẹp trữ tình hiện hữu, thơ mộng, hùng vĩ và hoang sơ trong cái nét cá tính quyến rũ của riêng nó. Phong cách nghệ thuật này của Nguyễn Tuân thể hiện rõ nhất qua hình tượng con sông Đà, đầu tiên từ tàu bay nhìn xuống, Nguyễn Tuân đã lập tức cảm nhận vẻ đẹp của con sông Đà “như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”, toàn bộ núi non Tây Bắc như mái đầu xanh của một thiếu nữ đầy sức sống với mái tóc dài xinh, với những đóa hoa cài tô điểm. Ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân đã khiến con sông Đà hiện lên với vẻ đẹp thật nữ tính, thi vị và quyến rũ biết bao. Ngoài ra, Nguyễn Tuân còn phát hiện ra vẻ đẹp độc đáo của dòng sông Đà qua sự đổi màu của sắc nước, điều này ta cũng đã nhắc tới ở phần trên, thể hiện cái góc nhìn thẩm mỹ độc đáo, nắm bắt cái đẹp một cách chuẩn xác và sáng tạo của nhà văn. Cái nhìn thẩm mỹ của Nguyễn Tuân còn thể hiện qua chuyện nhà văn đi rừng lâu ngày và bắt gặp dòng sông Đà, lúc này đây trong tâm hồn tác giả là niềm vui sướng, tựa như gặp lại cố nhân, một niềm vui ấm áp, tin cậy. Ngay trong niềm vui ấy, nhà văn còn phát hiện ra vẻ đẹp cổ kính, hồn nhiên của dòng sông từ “cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”, từ mặt sông. Điều tiếp nữa thể hiện góc nhìn thẩm mỹ của Nguyễn Tuân, ấy là cái cảm nhận của nhà văn về một quãng sông Đà phía dưới hạ du, một vẻ đẹp thiên nhiên trữ tình, thơ mộng, trầm lắng, “Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Giữa cái vẻ đẹp hoang sơ thơ mộng ấy, nhà văn lấy một câu thơ của Tản Đà để chỉ sông Đà như “một người tình nhân chưa quen biết”, “Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình”.
Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân còn được nhấn mạnh ở cái tính say mê cảm giác mạnh, thông qua việc miêu tả những khúc sông ở thượng nguồn đầy hung hiểm dữ tợn. Ở mặt ghềnh Hát Loóng với hàng cây số “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào đã tóm được qua đấy”, đầy nham hiểm và dữ dội, dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân ngay cả những thực thể vốn vô tri vô giác cũng trở nên sống động. Cái tính chất hung bạo dữ dội của sông Đà còng được bộc lộ rõ hơn ở khúc Tà Mường Vát, nhà văn đặc biệt chú ý làm nổi bật cái âm thanh của sóng nước “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, “ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên như một loài thủy quái dữ tợn, đang bị gông cùm, đói khát lồng lộn. Trong cảm nhận của nhà văn, những cái hút xoáy giống như những cái bẫy nguy hiểm mà sông Đà đã giăng sẵn chỉ đợi người lái đò nào vô tình lạc vào. Một điều đặc biệt ở Nguyễn Tuân mà ít ai biết chính là ông còn là một đạo diễn phim điện ảnh, rất ham mê những cảm giác mạnh. Chính vì thế mới có cái chi tiết đầy táo bạo mà nhà văn tưởng tượng ra một anh phó nháy, ôm chiếc máy chụp ảnh rồi ngồi thuyền thúng cứ thế rơi mình vào cái hút nước sâu hoắm, cốt chỉ để chụp lấy một khoảnh khắc để đời đậm chất điện ảnh. Đây là cách hành văn rất độc đáo của Nguyễn Tuân, đưa điện ảnh vào để làm nổi bật hình tượng trong văn chương của mình. Nhưng có lẽ đặc sắc nhất phải kể đến trận địa thác đá của con sông Đà, ông không miêu tả hết các thác đá của sông Đà mà chỉ chọn một thác đá có vẻ hung hiểm nhất để đặc tả nhằm làm nổi bật lên tất cả cái diện mạo của thác dữ sông Đà. Hình ảnh thác hiện lên từ xa tới gần, từ thính giác tới thị giác, ban đầu từ rất xa, ta chủ yếu nghe thấy âm thanh của tiếng thác dữ vang động cả núi rừng, để lại một ấn tượng rất mạnh mẽ cho nhà văn. Trong tùy bút có khúc “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.” Có thể thấy rằng, Nguyễn Tuân đã rất tinh tế lợi dụng cái không gian rộng lớn của núi rừng để làm nổi bật cường độ của tiếng thác, giác quan tinh tế của nhà văn còn cảm nhận được những cung bậc và sắc thái khác nhau của tiếng thác. Càng đến gần trận địa thác đá càng hiện lên với vẻ khó chịu, cả một “chân trời đá” rộng lớn, hòn nào hòn nấy đều mang những dáng vẻ nhăn nhó, khó ưa, như đang bực tức, giận dỗi gì với những người lái đò qua nó. Với cái nhìn từ góc độ quân sự, Nguyễn Tuân đã phát hiện ra rằng ở trận địa này đang có sự mai phục vô cùng đông đảo, với vô vàn bong ghe chìm, pháo đài đá nổi, hàng tiền vệ, hàng hậu vệ, luồng sống, luồng chết, cửa tử, cửa sinh, đá quân, đá tướng. Tất cả đã tổ chức thành một vòng vây với ba trận địa thác đá cực kỳ nham hiểm, trùng trùng điệp điệp, trận sau nguy hiểm hơn trận trước nhiều lần, đòi hỏi người lái đò phải cực kỳ bản lĩnh và gan dạ mới dám đi qua khúc sông đó.
Cuối cùng trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân chúng ta phải nhấn mạnh vào sự say mê sáng tạo, ông được ví là bậc thầy của sự sáng tạo, được thể hiện ở rất nhiều phương diện. Trước hết, Nguyễn Tuân đã góp phần đưa thể loại tùy bút lên hàng đỉnh cao nghệ thuật, về hình ảnh, ông là bậc thầy sáng tạo hình ảnh với rất nhiều hình ảnh độc đáo, giàu sức gợi. Trong việc sử dụng ngôn ngữ, Nguyễn Tuân cũng là bậc thầy của ngôn ngữ với cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo, góc cạnh, tài ba, nhà văn Anh Đức từng ca ngợi Nguyễn Tuân như sau: “Không biết đến chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng”. Về giọng điệu, nếu trước cách mạng Nguyễn Tuân là nhà văn nổi tiếng với giọng điệu khinh bạc thì với tùy bút Người lái đò sông Đà và các tác phẩm sau cách mạng giọng điệu của nhà văn đã chuyển sang trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp của những người lao động mới, vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước.
Qủa thật Nguyễn Tuân là một nhà văn xuất sắc, bởi ở ông có những phong cách nghệ thuật độc đáo và mới lạ, có cái tinh thần ham mê sáng tạo, tìm tòi cái mới, cái duy mỹ xung quanh cuộc sống. Đó là một trong những yêu cầu bức thiết ở người nghệ sĩ và văn chương mà như Nam Cao đã đề cập đến trong tác phẩm Đời thừa: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi. khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”, Nguyễn Tuân đã hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí ấy, vượt lên để trở thành một trong 9 nhà văn tiêu biểu trong văn học Việt Nam hiện đại.
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Giáo dục