Tổng hợp

Tổng hợp bài văn mẫu thuyết minh về cây tre hay

Cây tre gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt Nam khi sống ở những vùng quê. Cây tre cũng là đề tài mà nhiều nhà văn, nhà thơ chọn để viết cho các tác phẩm của mình. Hãy cùng thuvienhoidap.net tham khảo những bài văn mẫu thuyết minh về cây tre hay và ấn tượng nhất.

Thuyết minh về cây tre việt nam

Quốc gia nào dường như cũng có một loại cây hay một loài hoa tượng trưng cho cảnh quan, con người và linh hồn văn hóa. Nước Nga có cây bạch dương, Trung Quốc có cây tùng, Nhật Bản là hoa anh đào… Biểu tượng cho đất nước, con người và văn hóa Việt Nam là cây tre giản dị, thanh cao, dẻo dai và vững chắc đã nghìn đời.

Bạn đang xem bài: Tổng hợp bài văn mẫu thuyết minh về cây tre hay

Tre xanh, xanh tự bao giờ… Từ thuở các vua Hùng dựng nước, truyền thuyết đã nói đến cây tre. Tre, giang, nứa, trúc, mai, vầu rồi tầm vông… mấy chục loại khác nhau cùng gia phả. Cây tre – cây vũ trụ , cây linh hồn của người Việt.

Làng quê, xóm mạc nào của Việt Nam chẳng có lũy tre. Cùng với cây đa, bến nước, cổng làng, đình chùa, lũy tre là cảnh quang, hơn nữa là điểm nhấn cảnh quan, cấu trúc của làng, phóng to lên là của nước. Nó là tín hiệu đầu tiên để nhận ra làng quê. Rặng tre như mái tóc, lại như thắt lưng xanh của làng.

Và như cánh tay, cặp mắt của làng đón bình minh buổi sớm, tiễn mặt trời lúc hoàng hôn, tình tứ với ánh trăng và sao trời vào buổi tối. Từ lũy tre làng, những cánh cò trắng phau bay là bay lả ra đồng ruộng, mang cái ngủ về đậu bên cánh võng tuổi thơ. Đường quê, ngõ quê âu yếm, mát rượi bóng tre. Trong văn hóa nông thôn, con người làng quê luôn luôn hòa hợp bầu bạn với cây tre, với thiên nhiên.

Những lũy tre ôm cuộc đời của làng, của nước. Mùa mưa bão, tre là phên giậu, tấm chắn vĩ đại, bờ đê thiên nhiên khổng lồ cùng với người chống bão.

Nước có giặc, những lũy tre làm chiến hào, thành lũy của cả cộng đồng. Đòn gánh tre bao lần gánh đất nước trên vai. Lũy tre, chông tre,gậy tre, đã bao lần khiến kẻ thù kinh sợ. Năm xưa, người anh hùng làng Gióng đã dùng gậy tre đuổi giặc. Roi sắt gãy chứ tre không gãy. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tre đi dân công, tre ra hỏa tuyến, tre mở đường, kéo pháo, kiên trung và bất khuất xung phong vào xe tăng, đại bác kẻ thù. Những lũy tre, gậy tre, chông tre khẳng định nước Việt Nam là một, từ ải Nam Quan đến chót mũi Cà Mau, cây số không nơi biên ải cũng là phần xương thịt cụ thể của đất nước, dân tộc vạn xuân này.

Những lũy tre ôm cuộc đời của mỗi con người. Tre giúp người dựng nhà, dựng cửa, khẩn ruộng, làm vườn. Cây nêu bằng tre cắm trước sân nhà ngày tết khẳng định chủ quyền đất đai hương hỏa của ông bà, các loại quỷ ma chớ hòng đụng tới. Từ chiếc chõng tre, giường tre, bao thế hệ đã lớn lên. Lớn lên nhờ đôi đũa tre trong những bữa ăn đạm bạc mà ríu rít sum vầy của mỗi gia đình. Lớn lên nhờ nồi nước xông lá ngải cứu, lá sả, lá tre của mẹ.

Lớn lên cùng chiếc đòn gánh tre chịu thương chịu khó, nhẫn nại tảo tần và chiếc thuyền nan dọc ngang sông nước. Lớn lên cùng sợi lạt giang gói bánh chưng xanh, gói ghém những đặc sắc của nền văn minh lúa nước. Lớn lên cùng tiếng trúc sáo tre vi vút lưng trời, cây đu đều nhịp nhún vít vổng ngày xuân.

Từ cây tre thấy hình của nước. Từ cây tre thầy hình của người. Tre và làng nước lớn lên trong gian lao, vất vả. Chiến tranh, lũ lụt, hạn hán. Ở đâu, mùa nào, tre cũng mọc xanh tươi. Tre rút ruột mà xanh, vắt mình mà biếc. M

Thân tre thanh nhưng cứng cáp, dẻo dai. Người Việt có câu “ Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”. Tre, trúc tượng trưng cho khí tiết con người, thẳng ngay, bất khuất.

Nhìn cây tre, con người suy ngẫm, triết lí “ Tre già, măng mọc, tre non dễ uốn, lạt mềm buộc chặt, vợ chồng như đũa có đôi…”

Tre vẫn xanh trên đường quê, xóm ngõ. Tre nuôi cái giản dị, thanh cao, ngay thẳng của hồn người. Lũy tre làng là điểm cuối của cuộc tiễn đưa và điểm đầu của lần gặp lại, mỗi khi ta xa quê, về quê. Tre trĩu nặng trải nghiệm và tâm tưởng. Tre theo người ra thành phố làm đẹp những công viên, những ngôi nhà và gìn giữ hồn quê, nết quê. Những vật dụng trúc, mây, tre vẫn theo những con tàu, tự tin và tự hào đến với bạn bè quốc tế. Tiếng sáo tre vẫn say lòng bạn, lòng ta. Và tre vẫn là thành lũy kiên trung, vững bàng của tổ quốc Việt Nam.

Tham khảo thêm: Thuyết minh về con trâu hay 

Thuyết minh cây tre việt nam hay nhất

Ai đã từng đọc thơ ca Việt Nam hiện đại, hẳn sẽ nhớ những câu thơ lục bát này:

Tre xanh, xanh tự bao giờ.

Tự ngàn xưa, đã có bờ tre xanh.

Thân gầy guộc, lá mong manh.

Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi

Ở đâu tre cũng xanh tươi.

Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu…

Việt Nam có một hệ thực vật phong phú và đa dạng. Một trong những nguồn tài nguyên thực vật phân bố tương đối rộng và gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân là cây tre, cây được mệnh danh là “ gỗ của người nghèo”.

Tre là một nhóm thực vật đa niên, thân gỗ, là một loài thực vật có hoa, nhưng chỉ nở hoa một lần duy nhất vào lúc cuối đời. Hoa tre có mùi hương hơi nồng và có màu vàng nhạt như màu đất. Tre Việt Nam có 7 loại tre là: tre mạnh tông, tre gai, tầm vông, tre vàng sọc, tre mỡ, tre tàu và trúc. Tre xanh lúc còn sống có màu xanh mượt, đốt dài và bóng nhẵn, đường kính của thân tre trưởng thành khoảng từ 6 đến 8cm. Cao không đến 10m. Tre gai kích thước ốm và thấp hơn, lá cũng mỏng manh hơn nhưng ở mỗi đốt tre mọc ra rất nhiều nhánh gai, sắc, nông dân thường trồng thành hàng rào chống trộm. Tre ngà là loại tre có thân sọc vàng xem lẫn với sọc xanh rất đẹp, người ta thường trồng làm cảnh. Tre rừng, mọc hoang trong rừng nên thường không tươi tốt lắm. Ngược lại lồ ô, tầm vông là loại tre rừng khổng lồ, bề ngang và bề cao của nó gấp hai, ba lần tre xanh. Nó mọc thành từng bụi, từng hàng như rừng trong vùng đất hoang. Người ta đón lấy gỗ làm nhà tranh, nhà sàn rất chắc chắn. Lồ ô to lớn bao nhiêu thì trúc lại mảnh mai, yếu ớt bấy nhiêu vì thân rỗng và kích thước nhỏ bé. Có hai loại trúc là trúc xanh và trúc vàng.

Tre được sử dụng làm cột kèo để dựng nhà, làm đũa, làm máng nước, rổ rá, làm vật dụng nông nghiệp. Tre trồng làm hàng rào, tre khô làm củi đun. Thân tre chẻ nhỏ để nhóm bếp rất đượm lửa. Lá tre thường được người miền Nam lấy để gói bánh tro vào dịp tết giết sâu bọ. Lạt tre dùng để cột bánh chưng, bánh tét. Thân tre được dùng để làm đũa. Các thợ thủ công cũng đã tận dụng thân tre để đan thành giỏ tre, rổ tre. 

Thời cách mạng, bộ đội Việt Nam dùng ống tre để đựng nước, nấu cơm. Trong quán ăn ở vùng nông thôn, người ta cũng chẻ thân tre để làm ống tăm cho khách sử dụng sau bữa ăn. Trong chiến tranh, tre được sử dụng làm vũ khí rất lợi hại. 

Hình ảnh cây tre đã đi vào ca dao,  thơ văn và ca từ, chẳng hạn như:

Rễ siêng chẳng ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu lá bấy nhiêu cần cù

Nghiêng mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành.

Hay ông bà ta có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn tre tốt:

Trồng tre, trồng trúc, trồng dừa

Muốn lên cơ nghiệp thì chừa lang vân.

Ngoài ra, ông bà ta còn nhìn cây tre để nghe ngóng thời tiết “ Lá tre trôi lộc, mùa rét xộc đến”. Và từ đó người xưa còn rút ra một quy luật sống của thiên nhiên và con người “ tre già, măng mọc” tre chẻ ra làm nuộc lạt, trở thành một thứ không thể thiếu ở nhiều chỗ khi gói bánh, bó rau hoặc lợp nhà. Ca dao cũng có nhắc một câu “ Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”

Từ bao đời nay, cây tre là người bạn gắn bó và gần gũi với người dân Việt Nam. Hiện nay, cuộc sống ngày càng hiện đại và có nhiều đồ dùng làm bằng nhựa, inox xuất hiện. Nhưng người ta vẫn có khuynh hướng quay về với thiên nhiên. Ngày nay, nhiều người đã bỏ trồng lúa, đốn tre để có chỗ xây nhà, nhưng nếu một lúc nào đó, nước ta không còn một bóng tre thì đời sống sẽ khó khăn và buồn tẻ biết mấy. Tre đã cống hiến tất cả sự sống cho con người nên ta phải yêu quý và bảo vệ cây tre Việt Nam.

Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Tổng hợp

Trường Đại Học Y Dược Buôn Ma Thuột

Đội ngũ của chúng tôi đạt chuẩn, mạnh mẽ và sáng tạo và liên tục đổi mới phương thức giảng dạy để đem lại kết quả tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button