Bài văn tả thầy cô giáo đang giảng bài lớp 5 do Đọc tài liệu biên tập có hai mục chính muốn gửi đến các em tham khảo:
- Dàn ý tả thầy cô giáo đang giảng bài lớp 5
- Bài văn mẫu tả thầy cô giáo đang giảng bài
Cùng tham khảo nhé!
Bạn đang xem bài: Bài văn tả thầy cô giáo đang giảng bài hay nhất
Đề bài: Tả hoạt động của thầy hoặc cô giáo trong một tiết học, hoặc một buổi học lớp em
Dàn ý tả thầy cô giáo đang giảng bài lớp 5
I. Mở bài: giới thiệu về thầy hoặc cô giáo và tiết học mà em muốn tả
- Hôm nay là tiết học tập đọc, cô giáo em là người giảng bài rất say sưa.
- Mỗi lần cô giảng bài chúng em đều say mê nghe giảng bài.
II. Thân bài
– Tả vài nét về cô giáo: cô mặc chiếc áo dài màu vàng, dáng người nhỏ nhắn, mái tóc dài, đôi mắt to,…
– Cô đang giảng bài tập đọc: Hạt gạo làng ta.
– Giọng cô ấm áp khi đọc bài thơ, khi cô đọc bài cả lớp im lặng lắng nghe.
– Cô cẩn thận giảng cho chúng em từng li từng tý những điều chưa hiểu.
– Lời cô giảng bài truyền cảm, dễ hiểu đã nói lên nội dung bài thơ: hình ảnh của làng quê Việt Nam, những người nông dân lao động chăm chỉ.
– Cô giúp chúng em hiểu được giá trị khi làm ra hạt gạo, công sức của người nông dân khí tạo ra hạt gạo.
– Cô giúp các em học sinh hiểu bài nhờ cách dạy hay, truyền cảm.
III. Kết bài
– Mỗi bài giảng của cô đều được chúng em tiếp thu.
– Giờ học đã kết thúc nhưng em vẫn còn đang say sưa với bài giảng của cô.
– Cô luôn được chúng em yêu quý.
Trên đây là dàn ý tả thầy cô giáo đang giảng bài mà Đọc tài liệu đã biên soạn, các em có thể dựa vào dàn ý này để tự mình viết một bài văn sâu sắc. Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu dưới đấy!
Bài văn mẫu tả thầy cô giáo đang giảng bài lớp 5
Bài số 1:
Tả cô giáo đang giảng bài ngắn gọn lop 5
Đúng 7 giờ kém 5 phút, cô giáo Thủy đã ôm cặp đứng trước cửa lớp. Ngoài 30 tuổi, cô mang vẻ đẹp đoan trang trong chiếc quần âu màu đen, áo sơ mi hoa rất nhã. Ba tiếng trống trường vang lên, cô liền bước vào lớp. Cô đứng thẳng, nở nụ cười tươi đáp lại chúng em khi cả lớp đứng nghiêm trang chào cô. Cô đặt cặp sách lên bàn, đi một vòng quanh lớp xem xét. Cô khen tổ trực nhật làm tốt, lớp rất sạch.
Hôm nay học Tập đọc bài thơ “Hành trình của bầy ong”. Cô cầm phấn nắn nót viết lên bảng tên bài thơ và tên tác giả. Rồi cô đọc mẫu, cô lưu ý cách đọc. Bạn Quỳnh, bạn Thông, bạn Vĩnh được cô lần lượt gọi đọc. Cô khen, cô cho điểm tốt. Sau đó, cô gợi ý cho chúng em cảm thụ, tìm hiểu bài thơ. Cô giảng về hành trình và những nơi ong đến tìm hoa. Cô nói con ong là hiện thân của tinh thần lao động cần cù, của đức tính kiên nhẫn, tích lũy và sáng tạo:
“Nối rừng hoang với biển xa,
Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào”.
Cô nói: “Hoa nở rồi hoa tàn; hết mùa hoa này sẽ tiếp đến mùa hoa khác. Cái quý của con ong là tích lũy cho người bao mật ngọt sau mỗi mùa hoa”:
“Bầy ong giữ hộ cho người,
Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày”.
Ánh mắt, nụ cười, giọng đọc, lời giảng của cô Thủy trong giờ Tập đọc làm em nhớ mãi.
Lê Thùy Trang Trường Tiểu học Thái Thịnh – Hà Nội
Bài số 2:
Tập làm văn 5 tả cô giáo đang giảng bài
“Tùng… tùng… tùng…!”
Bác trống trường cất vang hồi trống, báo hiệu giờ vào lớp. Chúng em ai nấy chạy vội về chỗ của mình để bắt đầu tiết học. Cô Mai – cô giáo chủ nhiệm lớp bước vào với nụ cười rạng rỡ, trông cô thật đáng mến và gần gũi.
Cả lớp đứng dậy, đứng nghiêm chào cô. Cô mỉm cười và mời chúng em ngồi xuống để bắt đầu bài học. Cô đặt chiếc cặp đen xuống bàn giáo viên rồi nhìn chúng em và đố cả lớp “Nhỏ như hạt thóc/ Trong ngọc trắng ngà/ Khắp muôn vạn nhà? Ai ai cũng có. Các em có biết đó là hạt gì không?”. Cả lớp hô vang: “Thưa cô! Đó là hạt gạo ạ.” Cô gật đầu và nói: “Hoàn toàn chính xác! Hạt thóc vô cùng quen thuộc với tất cả chúng ta. Hằng ngày, các em ăn những miếng cơm ngon dẻo chính từ hạt thóc mà ra. Ngày hôm nay, cô và cả lớp sẽ học một bài thơ. Đó là…?”. Chúng em lại hô vang “Hạt gạo làng ta”.
Cô cầm viên phấn trắng, viết những dòng chữ ngay ngắn trên bảng. Tà áo dài xanh xanh cô đang mặc cứ tung bay trong gió. Cô giới thiệu về nhà thơ Trần Đăng Khoa với nhiều câu chuyện thú vị từ thuở nhỏ của ông. Khóe miệng nhỏ nhắn cứ mấp máy nói. Giọng nói vang vọng, ấm áp lại cất lên với những vần thơ tha thiết “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy…” Cả lớp im ắng lắng nghe cô đọc. Tay cô cầm quyển sách, cô bước xuống giữa lớp. Những bước đi trên đôi guốc uyển chuyển đến lạ. Các bạn lần lượt đọc bài. Cô dẫn dắt chúng em tìm hiểu từng khổ thơ qua những câu hỏi và gợi mở lí thú. Lúc nào, cô cũng giữ nụ cười rạng rỡ trên đôi môi hình trái tim đỏ thắm của mình. Nụ cười ấy làm gương mặt cô trở nên xinh đẹp hơn bao giờ hết. Thi thoảng, cô khẽ đưa bàn tay thon nhỏ lên để vuốt mái tóc dài ngang vai của mình cho được gọn gàng. Bài giảng của cô cứ vang lên, đầy ấm áp. Đôi mắt nâu đen của cô dõi theo từng học sinh như dò xét xem chúng em đã hiểu bài chưa. Cô nói, những hạt gạo mà chúng ta ăn là kết tinh của đất trời, thiên nhiên và bao mồ hôi, công sức của những người nông dân. Ngoài sân, mặt trời đã lên cao, rọi mấy tia nắng qua khe cửa sổ vào lớp. Hàng ấy im ắng như cũng đang lắng nghe cô giáo Mai say sưa giảng bài.
Một lần nữa, bác trống trường lại làm nhiệm vụ của mình, cất vang một hồi tùng tùng. Giờ học kết thúc, cô Mai đứng dậy chào cả lớp rồi cho chúng em ra chơi. Bầu không khí lúc nãy được thay bằng những âm thanh vui nhộn của các bạn học sinh. Đó là giờ học mà em nhớ nhất, cho tới bây giờ, hình ảnh cô Mai cùng những vần thơ ấy vẫn còn hiện hữu trong tâm trí em.
Bài số 3
Văn mẫu tả cô giáo đang giảng bài lớp 5
Tiếng trống trường giòn giã vang lên cũng là lúc cô Ngân bước vào lớp. Cô Ngân là cô giáo dậy môn Tiếng Việt của chúng em. Hôm nay cũng như bao buổi học khác. Trông cô thật là giản dị nhưng gần gũi và dễ mến.
Cả lớp em đứng nghiêm chào cô. “Cô chào cả lớp, hôm nay chúng ta học bài nhé !. Nụ cười của cô như nụ hoa sớm hé nở mới dịu dàng, dễ mến làm sao! Mái tóc của cô mượt mà đen óng lúc nào cũng thơm mùi hoa bưởi, mùi bồ kết nấu với lá chanh. Khuôn mặt của cô tròn đi cùng với nước da trắng. Đôi mắt cô đen và sâu nhìn chúng em trìu mến. Chiếc áo dài màu hồng hôm nay cô mặc càng làm cho dáng cô thêm mềm mại hơn. Đôi guốc cao gót màu hồng có vẻ như làm cô cao thêm nhiều.
“Tiết học bắt đầu. Hôm nay chúng em học bài” Tiếng vĩ cầm ở Mĩ Lai.” Cả lớp em còn đang không biết Mĩ Lai ở đâu nên rất tò mò. Cô cầm viên phấn trắng viết lên bảng. Chữ của cô mới đẹp làm sao. Từ tay cô, dòng chữ nắn nót Tiếng vĩ cầm ở Mĩ Lai hiện ra trước mắt em . Cô bắt đầu kể , cả lớp em yên lặng nghe cô kể. Giọng cô thật trầm ấm , lúc trầm lúc bổng. Theo lời cô, chúng em như được đang tận mắt chứng kiến cảnh tượng đau lòng và tàn bạo, vô nhân tính của những người lính Mĩ tàn ác kia. Khi cô kể đến đoạn lính Mĩ xả súng vào đoàn người dân vô tội, giọng cô như nghẹn lại, cô quay mặt đi. Em chợt nhìn thấy cô quay ra cửa, cô đưa tay vội quệt giọt nước mắt lăn trên má. Không gian như chìm xuống. Gió như ngừng thổi để nghe cô kể. Cả lớp em ai cũng rưng. Rồi cô kể đến đoạn người cựu chiến binh Mĩ đến Mĩ Lai kéo những khúc nhạc vĩ cầm như một lời tạ tội với linh hồn những người đã khuất. Giọng cô vui hẳn lên. Nghe nó sao trong trẻo và thánh thiện quá vậy. Lòng em cũng vui sướng biết nhường nào.
Bây giờ đến phần tập kể chuyện. Cô đi xuống dưới lớp ân cần chỉ bảo tận tình chúng em. Bạn Hoa lúng túng, chưa nhớ rõ được nội dung câu chuyện, cô đã gợi ý bằng những lời nhẹ nhàng. Thế là bạn ấy nhớ lại và kể được cả đoạn của mình. Bạn Hùng học giỏi văn lên đã kể trôi chảy và cô rất vui, cho bạn điểm 10. Cả lớp em ai cũng muốn được cô gọi kể trước lớp. Cô khen cả lớp và thưởng cho cả lớp một tràng vỗ tay giòn giã. Cô cười rất tươi. Em ngắm nhìn cô, thấy cô lúc đó thật đẹp. Em biết cô rất hài lòng về những điều cô đã dạy cho chúng em.
Cô Ngân ơi, dù mai em có xa ngôi trường này, em sẽ mãi nhớ bóng hình của cô. Nhớ những điều cô đã kể cho em có một vụ thảm sát ở Mĩ Lai đau thương như thế. Em hứa với cô sẽ cố gắng học giỏi để xứng đáng là học trò của cô. Cô ạ, một ngày không xa em sẽ đến Mĩ Lai, em sẽ thắp nén hương thơm để tưởng nhớ những người dân vô tội. Cô Ngân ạ. Nhờ cô em thêm yêu đất nước mình hơn.
(Nguồn: Sưu tầm)
Đọc tài liệu vừa gửi đến các em bài văn tả thầy cô giáo đang giảng bài lớp 5, hy vọng với bài văn mẫu này sẽ giúp các em hoàn thiện hơn bài làm của mình để đạt được điểm số cao trong quá trình theo học môn tập làm văn lớp 5 nhé!
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Tiếng việt 5