Tiết học kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia tuần 3 có mục đích giúp các em học sinh luyện tập khả năng kể lại một chuyện mà em đã tham gia hoặc chứng kiến. Cụ thể ở tiết học này sẽ là kể lại một việc làm thể hiện ý thức xây dựng quê hương đất nước. Cùng tham khảo cách làm cùng các bài mẫu dưới đây để hiểu rõ về bài học này nhé!
Bạn đang xem bài: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia lớp 5 tuần 3
I. Mục tiêu tài liệu hướng dẫn
– Định hướng cách làm dạng bài kể lại câu chuyện được chứng kiến hoặc tham gia về một việc làm thể hiện ý thức xây dựng quê hương, đất nước
– Cung cấp một số bài mẫu giúp em hiểu rõ cách làm và có thêm nhiều ý tưởng làm bài
II. Định hướng cách làm bài
1. Những việc làm thể hiện ý thức xây dựng quê hương, đất nước :
– Góp công, góp của xây dựng đường sá, cầu cống,…
– Giữ gìn vệ sinh, trật tự đường phố, xóm làng.
– Trồng cây, trồng hoa, bảo vệ môi trường.
– Vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới.
2. Kể những chuyện gì ?
– Có thể kể câu chuyện em thấy trong gia đình, ở trường, ở làng xóm, phố phường, nơi công cộng (trên đường, trong bệnh viện, bưu điện, cửa hàng, bến xe,…); cũng có thể kể những câu chuyện em thấy trên ti vi.
– Có thể kể câu chuyện về việc làm tốt của một người thân, của một người xa lạ hay kể việc làm của chính em.
3. Kể như thế nào ?
a) Em có thể kể một câu chuyện có đầu có cuối (diễn ra trong một thời gian nhất định, ở địa điểm nhất định).
Muốn vậy, cần cho biết :
– Câu chuyện bắt đầu như thế nào ?
– Diễn biến chính của câu chuyện.
– Suy nghĩ của em về hành động của người trong câu chuyện.
b) Cũng có thể kể theo cách nói những điều em biết về một người (không cần kể thành một câu chuyện có đầu có cuối).
Muốn thế, em cần giới thiệu :
– Người ấy là ai ?
– Người ấy có lời nói hoặc hành động gì đẹp ?
– Suy nghĩ của em về lời nói hoặc hành động của người đó.
III. Hướng dẫn làm bài tập SGK
Câu 1 (trang 28 sgk Tiếng Việt 5): Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Hướng dẫn giải:
Bài mẫu 1
Ông Sáu Rõ từ thiện
Ở vùng quê em (Bến Tre) ai cũng biết đến ông Lê Văn Rõ, năm mươi tuổi, nổi tiếng là người làm công tác từ thiện. Vì vậy, mọi người thường gọi ông với cái tên thật trìu mến: “Ông Sáu Rõ từ thiện”. Ông ở ấp Tích Đức, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày. Ông đã đóng góp và vận động các nhà hảo tâm ủng hộ cây, lá, rồi trực tiếp bỏ công xây cất trên 50 căn nhà tình thương cho các gia đình đang gặp khó khăn về nhà ở tại xã Khánh Thạnh Tân và nhiều xã lân cận thuộc huyện Mỏ Cày. Nhờ tấm lòng của ông, các gia đình này hiện nay đã có mái ấm sinh hoạt, không còn sợ cảnh mưa bão, dột nát như trước.
Với việc làm đầy ý nghĩa, đầy tình người đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đã quyết định tặng bằng khen cho ông Lê Văn Rõ. Ông thật xứng đáng với tấm bằng khen đó của tỉnh nhà.
Bài mẫu 2
Xóm nhỏ cùng nhau làm vệ sinh chung
Nhà em nằm sâu trong một con hẻm dài chừng năm chục mét. Sáng chủ nhật nào bà con trong hẻm cũng tập trung làm vệ sinh chung.
Vào khoảng bảy giờ sáng chủ nhật, ông tổ trưởng đánh lên một hồi kẻng dài. Nghe tiếng kẻng mỗi gia đình cử ra một người cùng tham gia làm vệ sinh chung. Ba chục người đại diện cho ba chục gia đình đã có mặt đông đủ trước nhà ông tổ trưởng. Người già có, thanh niên có, phụ nữ có, bạn nhỏ có, mỗi người đều cầm trong tay một dụng cụ lao động như: cuốc, xẻng, dao, liềm, chổi… Sau khi nghe ông tổ trưởng phân công, bà con tản ra làm mấy nhóm và bắt đầu dọn vệ sinh. Nhóm này thì cắt cỏ, xén cây làm vườn chung của tổ. Nhóm kia thì quét dọn đường hẻm thu gom rác. Nhóm khác thì khơi thông cống rãnh để nước mưa tiêu rút nhanh không gây ra cảnh ngập đường. Mọi người vừa làm vừa râm ran trò chuyện. Chừng một giờ sau, mọi việc đã xong. Ông tổ trưởng đi kiểm tra các việc rồi tuyên bố giải tán. Ai nấy vui vẻ ra về. Chỉ cần bỏ ra một giờ lao động chung, bà con tổ dân phố đã làm cho đường phố trong khu sạch đẹp.
Việc làm vệ sinh chung là một việc làm rất có ích. Nó làm cho môi trường sống tốt lành hơn và cũng tạo cho mọi người một nếp sống sạch sẽ, văn minh. Em rất thích công việc này nên tuần nào cũng vác chổi ra tích cực tham gia quét dọn.
Bài mẫu 3
Bác Khánh tốt bụng
Bác Khánh ở xóm Đền là cán bộ về hưu. Hỏi đến bác thì thôn trong, xóm ngoài ai cũng biết.
Thời chống Pháp, bác đi bộ đội khi chưa biết chữ. Vốn là một thợ đúc đồng đúc gang lành nghề, bác được tuyển làm chiến sĩ công binh để đúc vỏ bom, mìn, lựu đạn cho bộ đội. Dần dần bác được bồi dưỡng văn hóa, được cấp trên cho đi học, về sau trở thành một kĩ thuật viên trung cấp sửa chữa xe pháo và vũ khí cho Giải phóng quân thời chống Mĩ. Bác về hưu với quân hàm trung tá nhưng ăn mặc giản dị như một lão nông chân quê.
Người bác to cao. Tóc bạc cắt ngắn. Cặp lông mày bạc trắng làm nổi bật đối mắt sâu đen láy, tinh nhanh của bác. Cùng tuổi với ông nội em – 75 tuổi – khi răng ông nội em đã rụng mất 6 chiếc thì răng bác vẫn còn nguyên. Có lúc bác nói vui: “Hàm răng trời cho để nhai bo bo, nhai bắp”. Bác nói to, giọng lơ lớ, đi lại rất nhanh nhẹn. Lần nào đến chơi với ông em, bác cũng đòi xem sách vở: “Cháu Thìn đâu rồi, mang sách và ra đây cho bác tập đọc, làm cộng trừ nhân chia với…”. Bác khen là con mẹ Nga viết đẹp, học giỏi và ngoan.
Bác góa vợ đã gần 30 năm nay, con cháu đều trưởng thành. Có lẽ vì thế mà bác là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bác tham gia Hội Cựu chiến binh xã. Bác làm Hội trưởng Hội Khuyến học xã. Bác đã vận động cán bộ về hưu, nhân dân toàn xã Hồng Phong đóng góp quỹ học bổng giúp con em các gia đình khó khăn, những em chăm ngoan, học giỏi. Bạn Lý và bạn Chung lớp em vào đầu năm học lớp 5, mỗi bạn nhận được suất học bổng 300.000 đồng. Bác vẫn thường xuyên đến thăm thầy trò Trường Tiểu học Hồng Phong. Nhờ bác và Hội Khuyến học mà trường em có nhiều cây xanh tỏa bóng mát sân trường: 4 cây bàng và 24 cây xà cừ.
Cách đây 5 năm, đường trong làng trong xã toàn là đường đất. Những hôm mưa bão, đường trơn như đổ mỡ, chúng em đi học, bà con đi chợ, đi làm thật vất vả. Trong Đại hội Đảng bộ xã năm 2000, bác đề nghị xi măng hóa các đường, xây dựng lại Trạm Y tế xã. Ý kiến của bác được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ xã, được bà con nhiệt liệt hưởng ứng. Riêng bác đã rút 20 triệu đồng tiền tiết kiệm của bác cho một số gia đình khó khăn ở xóm Đền Vay không lấy lãi để góp công sức làm đường. Điện đã về xã, đường đi lại được lát bê tông, bà con xã em ai cũng cảm phục và biết ơn bác Khánh.
Bác Khánh là người nông dân “ăn chắc mặc bền”. Bác vẫn giữ nguyên bản chất tốt đẹp của “anh bộ đội Cụ Hồ”. Học sinh Trường Tiểu học Hồng Phong vẫn coi bác như ông nội, ông ngoại kính yêu của mình. Mỗi lần bác đến thăm trường, thầy trò đều rất vui mừng đón chào bác.
*********
Hy vọng với hướng dẫn chi tiết trên đây, các em đã có thể nắm được nội dung bài học tiết kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia tuần 3 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1, qua đó có thể tự mình kể được một câu chuyện hấp dẫn và có ý nghĩa. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Soạn Văn