Đề bài: Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Qua nhân vật này, em có suy nghĩ gì về thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước?
- Chân Lý Là Gì? Vai Trò Của Chân Lý đối Với Thực Tiễn
- Black Rouge A31 Là Màu Gì? Liệu Có đáng đồng Tiền Bát Gạo?
- Cường độ điện trường, Công thức tính Cường độ Điện trường, Đường sức điện và bài tập – Vật lý 11 bài 3
- I Love You In Every Universe Là Gì? Giải Mã Dr Strange 2
- Thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn: Công thức, cách dùng và bài tập
Bạn đang xem bài: Phân tích nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi và bày tỏ suy nghĩ về thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mĩ
I. Dàn ý Phân tích nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi và bày tỏ suy nghĩ về thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mĩ
1. Mở bài
– Sơ lược về nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975.
– Sơ lược về tác giả Lê Minh Khuê.
– Giới thiệu tác phẩm Những ngôi sao xa xôi và nhân vật Phương Định.
2. Thân bài
a. Tổng quan về tác phẩm:
* Hoàn cảnh sáng tác:
– Được viết vào năm 1971, trong giai đoạn 4 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, là một trong những giai đoạn kháng chiến ác liệt nhất ở chiến trường miền Nam.
– Tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quân đội ta, trở thành điểm đánh phá thường xuyên của quân Mỹ, buộc chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá.
=> Sự có mặt của các nữ thanh niên xung phong dò bom, phá bom, lấp đường như Phương Định, chị Thao và Nho là vô cùng cần thiết.
* Điểm chung và riêng so với các sáng tác cùng thời:
– Đều đều nói về hình ảnh những cô gái hồn nhiên, trẻ trung, yêu đời.
– Khác: Tập trung đi sâu vào đời sống tâm hồn của nhân vật, hơn là diễn tả những gì khốc liệt của chiến tranh. Tác giả nghiêng về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp nội tâm, đời sống của người anh hùng trong chiến đấu, lấy sự mất mát hy sinh trong chiến tranh để làm rõ hơn vẻ đẹp của họ.
b. Hoàn cảnh sống và chiến đấu của Phương Định:
– Là lực lượng hậu cần nòng cốt, luôn phải đối mặt với những nguy hiểm cận kề.
– Sống trong một cái hang dưới chân cao điểm, còn công việc thì luôn là chạy trên cao điểm đếm bom, phá bom, lấp đất sau khi máy bay giặc càn quét qua, để giữ cho đoạn đường luôn ở tình trạng yên ổn.
c. Phương Định trong cuộc sống thường ngày:
– Ý thức rất rõ về vẻ đẹp và tính cách của bản thân.
– Phương Định là một cô gái khá, tính tình lạnh lùng, kiêu hãnh và mang vẻ duyên dáng của một cô gái Hà Nội.
– Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Phương Định còn được thể hiện qua những nỗi nhớ sâu thẳm của cô về quê hương, cô mơ mộng về một thời thiếu nữ xa xăm và tươi đẹp biết mấy.
=> Niềm khao khát mãnh liệt của cô với hòa bình, với độc lập, mong sao đất nước không còn bóng giặc để nàng có thể trở về thủ đô với mẹ, tiếp tục những mơ mộng còn dở dang.
– Phương Định là một cô gái yêu đời, yêu nghệ thuật, thích hát (Nêu dẫn chứng).
=> Cô gái yêu nước, hào hùng trong chiến đấu nhưng cũng rất đỗi truyền thống xen lẫn cái vẻ lãng mạn, ý nhị của một người con gái.
d. Phương Định trong chiến đấu:
– Đối mặt với cái nguy hiểm của trận địa bằng trách nhiệm và lòng tự hào của “tổ trinh sát mặt đường”, phong thái tự tin.
– Kiên cường và dũng cảm trong chiến đấu, coi việc phá bom, chạy trên cao điểm cũng là một cái “thú”.
– Trong chiến đấu cũng có những lúc Định thấy sợ hãi, từng nghĩ đến cái chết của mình nhưng cô nghĩ nhiều hơn đến việc bom không nổ thì phải làm thế nào để gài mìn thêm lần nữa.
– Dày dặn kinh nghiệm trong chiến đấu, ngày phải phá bom nhiều nhất đến 5 lần kéo dài suốt 3 năm nay. Điều ấy càng thể hiện sự gan dạ, tinh thần thép và vô cùng dũng cảm của cô gái trẻ.
– Là một người con cái tình cảm, khác hẳn cái vẻ ngoài lạnh lùng thường thấy. Cô hết lòng lo lắng cho đồng đội khi họ ra ngoài trinh sát => Tấm lòng yếu đuối của một cô gái lúc này mới có dịp được bộc lộ rõ nét.
– Cảnh Nho bị bom vùi, người ta lại thấy một Phương Định bình tĩnh lạ thường, sự tinh tế, chu đáo và tỉ mỉ khi chăm sóc cho đồng đội bị thương.
d. Thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước:
- Qua tất cả những chi tiết về nhân vật Phương Định ta có thể thấy rằng cô chính là đại diện tiêu biểu nhất cho hàng triệu thanh niên Việt Nam đã lên đường chiến đấu vì độc lập tự do của cả dân tộc. Họ ra đi với niềm tin tất thắng, với tất cả sự kiên cường, dũng cảm và lòng yêu nước, yêu cách mạng mãnh liệt.
– Bên cạnh sự anh hùng trong chiến đấu thì ở họ cũng hiện lên những vẻ đẹp đáng quý của tâm hồn, ở họ có sự hiện diện của sự mơ mộng, trẻ trung, yêu đời, của nỗi nhớ quê hương và cả những khao khát về tình yêu, và hơn tất cả ấy là mơ ước tha thiết về một đất nước hòa bình, một cuộc sống ấm êm hạnh phúc.
3. Kết bài
– Cảm nhận cá nhân.
II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi và bày tỏ suy nghĩ về thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mĩ
Trong văn đàn Việt Nam người ta ít thấy sự xuất hiện của các nhà văn nhà thơ nữ, đặc biệt là trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bởi thực tế rằng các nhà văn khi viết về đề tài này, để có được sức hút và lột tả được tính chân thực của chiến trường thì thường phải là người lính thực thụ bước ra ra từ trong khói lửa tiêu biểu như Quang Dũng, Phạm Tiến Duật, Chính Hữu, Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trung Thành,… và rất nhiều các nhà văn trưởng thành từ kháng chiến khác nữa. Trong một rừng văn học kháng chiến như vậy, lại nổi lên một cây bút nữ, một nữ thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm với giọng văn mới lạ và hấp dẫn. Có thể nói Lê Minh Khuê đã tỏa ra một thứ ánh sáng đặc biệt đúng như cái tên của bà, ánh sáng của ngôi sao Khuê biểu tượng cho sự thông minh, trí tuệ và học vấn. Bà tham gia nghiệp sáng tác khi còn khá trẻ, khi mới khoảng 20 tuổi, với phong cách viết chắc tay, già dặn trong câu chữ những tưởng đó không phải là giọng văn của một thiếu nữ mà là tác phẩm của một con người đã thu thập cho mình nhiều trải nghiệm trong cuộc chiến. Những ngôi sao xa xôi, với nhân vật chính là Phương Định đã đưa tên tuổi Lê Minh Khuê vụt sáng giữa nền văn học kháng chiến giai đoạn chống Mỹ cứu nước đầy ác liệt. Điểm mới lạ của tác phẩm nằm ở chỗ tập trung thể hiện cuộc sống và chiến đấu của những cô gái thanh niên xung phong, dưới đôi mắt cảm nhận của người trong cuộc.
Những ngôi sao xa xôi được viết vào năm 1971, trong giai đoạn 4 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ trên đất Việt Nam, quân Mỹ chuyển sang chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Cuộc chiến lại càng trở nên ác liệt, Mỹ điên cuồng sau những lần thất bại liên tiếp nên càng trở nên nóng lòng muốn đánh nhanh rút gọn. Tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quân đội ta, trở thành điểm đánh phá thường xuyên của quân Mỹ, buộc chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá. Chính vì vậy sự có mặt của các nữ thanh niên xung phong dò bom, phá bom, lấp đường như Phương Định, chị Thao và Nho là vô cùng cần thiết. Điểm chung trong phong cách sáng tác về đề tài này của Lê Minh Khuê cùng với Phạm Tiến Duật, Thúy Bắc hay Nguyễn Minh Châu là đều nói về hình ảnh những cô gái hồn nhiên, trẻ trung, yêu đời. Thế nhưng Lê Minh Khuê có lẽ rằng là một phụ nữ nên ưa thích nhưng cái gì tinh tế, nên bà tập trung đi sâu vào đời sống tâm hồn của nhân vật, hơn là diễn tả những gì khốc liệt của chiến tranh. Tác giả nghiêng về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp nội tâm, đời sống của người anh hùng trong chiến đấu, lấy sự mất mát hy sinh trong chiến tranh để làm rõ hơn vẻ đẹp của họ.
Quay trở lại với tác phẩm, câu chuyện xây dựng xung quanh cuộc sống và chiến đấu của ba cô gái Phương Định, Nho và chị Thao dưới góc nhìn của nhân vật chính là Phương Định, một cô gái Hà Nội, lạnh lùng và xinh xắn. Họ là lực lượng hậu cần nòng cốt, luôn phải đối mặt với những nguy hiểm cận kề, ranh giới sinh tử chỉ cách một bức màn mỏng manh. Họ sống trong một cái hang dưới chân cao điểm, còn công việc thì luôn là chạy trên cao điểm đếm bom, phá bom, lấp đất sau khi máy bay giặc càn quét qua, để giữ cho đoạn đường luôn ở tình trạng yên ổn mỗi khi đoàn xe của bộ đội ta đị qua. Mới ban đầu, qua giọng kể của Phương Định thì có thể thấy rằng cô nàng là một cô gái có tính tếu táo ngầm, cô nói về sự ác liệt của chiến trường bằng một cái giọng rất dễ thương và phóng khoáng: “chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần chết là một tay không thích đùa”. Nhiêu đó thôi người ta cũng đủ để hiểu rằng, công việc của ba cô gái trẻ thật không đơn giản, họ có thể hi sinh vì bom nổ, vì bị máy bay địch phát hiện bất cứ lúc nào, và họ phải chuẩn bị tinh thần cho điều ấy. Thế nhưng vừa rời khỏi cái chiến trường trên cao điểm nóng đến hơn 30 độ, thoát khỏi cái cảnh “Thần kinh thì căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ” thì Phương Định lại lập tức quay về với thế giới mơ mộng, hồn nhiên của người thiếu nữ, dường như tất cả những thứ cô vừa trải qua đã bị cái mát lạnh tê tái trong hang xóa tan đi hết. Mà có lẽ là thế thật.
Lê Minh Khuê khắc họa nhân vật Phương Định rất rõ nét và ấn tượng, đó là một cô gái trẻ tuổi, xinh xắn, tóc dày và mềm, cần cổ cao kiêu hãnh như cành hoa loa kèn, còn đôi mắt thì có cái nhìn xa xăm mơ mộng. Dù không thể sánh được với vẻ đẹp mảnh dẻ, dịu dàng vô cùng lãng mạn của Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu) thế nhưng Phương Định cũng là một đóa hoa thơm giữa núi rừng Trường Sơn đầy khốc liệt này. Và Phương Định là một cô gái thông minh, nên nàng ý thức rất rõ những ưu điểm của bản thân, cô rất tự tin và khách quan khi tự đưa ra những đánh giá về bản thân cũng như nhìn nhận về tính cách của mình. Đặc biệt Định là cô gái rất biết yêu bản thân, yêu bằng cái cách nguyên thủy nhất, thích ngắm mình trong gương, ngắm mãi cái đôi mắt mà những anh lái xe thường xuýt xoa khen ngợi, cái đôi mắt “dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng”. Rồi cô nàng có lẽ cũng biết rõ những bức thư những lời hỏi thăm của các anh bộ đội là ý gì, nhưng Phương Định cũng “không săn sóc, vồn vã”, và thường đứng ngoài những cuộc đối đáp tếu táo, những cuộc thảo luận sôi nổi. Đó là cái lòng kiêu hãnh của một cô gái khá, mặc dù đối với Phương Định “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”. Nhưng cô nàng vẫn điệu bộ xa cách như một cái cách giữ giá làm duyên của những cô gái trẻ tuổi, đặc biệt là cô gái gốc Hà Nội vốn nổi tiếng với sự trang nhã, tế nhị và duyên dáng trong tà áo dài nền nã. Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Phương Định còn được thể hiện qua những nỗi nhớ sâu thẳm của cô về quê hương, cơn mưa đá chóng qua đã đem đến cho Phương Định một nỗi tiếc nuối không tên, nhưng có lẽ đó là nỗi hụt hẫng khi niềm vui thích trôi đi quá nhanh. Định nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ từng cảnh vật yên bình nơi thủ đô, cô mơ mộng về một thời thiếu nữ xa xăm và tươi đẹp biết mấy, và cái khắc nghiệt cực khổ nơi chiến trường dường như đã được những kỷ niệm tươi đẹp làm dịu đi, tựa như cơn mưa đá vừa rồi. Cũng từ những nỗi nhớ, những mơ mộng xa xăm ấy của Phương Định người ta nhìn ra được niềm khao khát mãnh liệt của cô với hòa bình, với độc lập, mong sao đất nước không còn bóng giặc để nàng có thể trở về thủ đô với mẹ, tiếp tục những mơ mộng còn dở dang. Không chỉ đẹp ở những nỗi nhớ, những mơ mộng thiếu thời mà Phương Định còn hiện lên với hình ảnh một cô gái yêu đời, yêu nghệ thuật, thích hát và hát cũng rất hay, nàng “thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan hộ mềm mại, dịu dàng. Thích “ca chiu sa” của Hồng Quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh…”. Đó là dân ca ý trữ tình, giàu có, phải lấy giọng thật trầm. Thích nhiều”. Từ cái phong cách âm nhạc ấy cũng nhìn ra được Phương Định là cô gái yêu cách mạng, hào hùng trong chiến đấu nhưng cũng rất đỗi truyền thống xen lẫn cái vẻ lãng mạn, ý nhị của một người con gái.
Đó là trong cuộc sống thường ngày, còn trong chiến đấu Phương Định lại có những nét đẹp rất thú vị mang tính chất sử thi của một người anh hùng đích thực. Cái cách mà Phương Định kể về chiến trường như tôi đã đề cập có lẽ dùng hai chữ “phóng khoáng” là thích hợp nhất. Một cô gái đối mặt với cái nguy hiểm của trận địa bằng trách nhiệm và lòng tự hào của “tổ trinh sát mặt đường”, phong thái tự tin. Một vết thương ở đùi chưa lành miệng có lẽ rằng đối với một người con gái thì nó cũng khá ghê gớm, nhưng với Phương Định cô không cho là vậy và cũng chẳng thiết vào viện Quân y, bởi không đáng, làm người lính có thương tích là chuyện quá thường. Khi nói về công việc của mình Phương Định cũng rất tếu táo mà cho đó là một cái “thú”, thú vui hoặc thú vị giống mấy anh nhà văn khi nói về nghề của mình vậy. Và có lẽ cái “thú” của Phương Định là thích cảm giác mạnh, tận hưởng cái cảm giác căng thẳng chờ bom nổ, hồi hộp chạy trên cao điểm, để khi làm xong nhiệm vụ như một vị tướng đại công cáo thành chạy về hang báo cáo vậy. Nhưng như thế không có nghĩa là Định không sợ, khi lưỡi xẻng chạm vào quả bom “một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt”, Định giật mình và càng hối thúc mình phải làm cho nhanh, càng nhanh càng tốt, để mau chóng hoàn thành nhiệm vụ, bởi càng kéo dài thì càng nguy hiểm. Đã làm 3 năm nay, Định đương nhiên cũng dày dặn kinh nghiệm, vỏ quả bom nóng, hay sự im lặng đến bất thường đều là những dấu hiệu chẳng lành, và phải cảnh giác cao độ. Định còn muốn sống để tiếp tục cống hiến và chiến đấu, chứ không thể chết khi còn quá trẻ, mặc dù từ lâu nay Định cũng từng nghĩ mình sẽ chết, một cái chết nhẹ tựa lông hồng. Hoặc thay vì nghĩ đến cái chết Định nghĩ nhiều hơn đến việc bom có nổ không, làm thế nào để gài mìn lại một lần nữa, đó đều là những câu hỏi hóc búa với cô gái trẻ. Những điều ấy đều cho thấy Phương Định là một cô gái gan dạ, tinh thần thép và vô cùng dũng cảm, chẳng thế mà nàng nói “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến 5 lần”, thế có nghĩa là 5 lần đối mặt với cái chết trong 24 giờ, thật khó mà tưởng tượng được. Bên cạnh việc anh dũng, kiên cường trong chiến đấu thì Phương Định còn là một người con cái tình cảm, khác hẳn cái vẻ ngoài lạnh lùng thường thấy. Cô hết lòng lo lắng cho đồng đội khi họ ra ngoài trinh sát, những lúc ấy lòng Định cũng chẳng khác gì so với lúc phá bom ở cao điểm, Định sợ có chuyện xảy ra với chị Thao, với Nho, tấm lòng yếu đuối của một cô gái lúc này mới có dịp được bộc lộ rõ nét. Cảnh Nho bị bom vùi, người ta lại thấy một Phương Định bình tĩnh lạ thường, có lẽ là bình tĩnh thay chị Thao mặt đang tái mét vì sợ máu, Định biết mình phải gánh trách nhiệm đưa Nho về hang và băng bó cho nó thay chị Thao. Từ đó, ta lại thấy một mặt khác nữa của Phương Định ấy là sự tinh tế, chu đáo và tỉ mỉ khi chăm sóc cho đồng đội bị thương.
Qua tất cả những chi tiết về nhân vật Phương Định ta có thể thấy rằng cô chính là đại diện tiêu biểu nhất cho hàng triệu thanh niên Việt Nam đã lên đường chiến đấu vì độc lập tự do của cả dân tộc. Họ ra đi với niềm tin tất thắng, với tất cả sự kiên cường, dũng cảm và lòng yêu nước, yêu cách mạng mãnh liệt. Bên cạnh sự anh hùng trong chiến đấu thì ở họ cũng hiện lên những vẻ đẹp đáng quý của tâm hồn, ở họ có sự hiện diện của sự mơ mộng, trẻ trung, yêu đời, của nỗi nhớ quê hương và cả những khao khát về tình yêu, và hơn tất cả ấy là mơ ước tha thiết về một đất nước hòa bình, một cuộc sống ấm êm hạnh phúc.
Phương Định là nhân vật được xây dựng rất sống động dưới ngòi bút của Lê Minh Khuê, với nhiều phẩm chất tốt đẹp. Đặc biệt là về thế giới nội tâm của nhân vật, những vẻ đẹp phẩm chất ẩn giấu trong cái vỏ kiên cường, dũng mãnh của người lính chiến mà trước nay không nhiều nhà văn để tâm vào khai thác. Cũng chính vì tác giả là một nữ thanh niên xung phong, nên cách viết, cách miêu tả nhân vật rất độc đáo và đặc biệt, nó gợi ra một cách rất chân thực hình ảnh của các cô gái trong chiến trường vào những năm 70 của thế kỷ trước, hào hùng, gan góc và cũng đầy lãng mạn, mộng mơ của tuổi trẻ.
—————–HẾT——————–
Phương Định là một trong những cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, tìm hiểu chi tiết về tác phẩm cũng như những tấm gương anh hùng trong kháng chiến, bên cạnh bài Phân tích nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi và bày tỏ suy nghĩ về thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mĩ, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 9 có cùng chủ đề khác như: Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi, Suy nghĩ của em về văn bản Những ngôi sao xa xôi, Phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện Những ngôi sao xa xôi.
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Tổng hợp