Trong chương ngữ văn trung học cơ sở chúng ta đã học qua nhiều loại câu như câu nghi vấn, câu cảm thán, câu cầu khiến… Trong bài viết này thư viện hỏi đáp sẻ trả lời câu hỏi mà nhiều bạn thắc mắc là câu đặc biệt là gì? Ví dụ, bài tập minh họa về loại câu này.
Định nghĩa câu đặc biệt là gì?
a – Định nghĩa
Câu đặc biệt là câu không được cấu tạo theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ. Có nghĩa là chúng không thể xác định được đâu là thành phần chủ ngữ, vị ngữ hoặc các thành phần khác trong 1 câu đặc biệt.
Bạn đang xem bài: Câu đặc biệt là gì?
b – Điểm khác biệt giữa câu rút gọn, câu đặc biệt và câu bình thường
Câu bình thường: Là câu có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ hoặc một vài thành phần khác như trạng ngữ, tình thái từ, khởi ngữ.
Ví dụ: Tôi tên là Tuấn. Chủ ngữ là “Tôi”, vị ngữ là “ tên là Tuấn”.
Câu rút gọn: Vốn là 1 câu bình thường nhưng bị rút gọn hoặc chủ ngữ, hoặc vị ngữ, hoặc cả chủ ngữ lẫn vị ngữ. Dựa vào ngữ cảnh có thể khôi phục lại thành phần lược bỏ.
Ví dụ: 1 câu hỏi đáp giữ 2 người A, B gồm:
A: Anh đến lớp lúc mấy giờ?
B: Chín giờ sáng ( đây là câu rút gọn, không có thành phần chủ ngữ).
Câu đặc biệt: Câu không tồn tại thành phần chủ ngữ, vị ngữ hoặc không phân biệt được thành phần chính trong câu.
Ví dụ: Ầm! Từng tia sét đánh xuống cánh đồng.
c – Ví dụ câu đặc biệt
Câu đặc biệt thường được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày hoặc trong các tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn.
Ví dụ 1: Rầm! Mọi người ngoảnh lại nhìn, hai chiếc xe máy tông vào nhau.
Ví dụ 2: Điên thật! Chiếc điện thoại của tôi bị hư rồi.
Ví dụ 3: Thật đẹp!
Ví dụ 4: Thật khủng khiếp!
Tác dụng của câu đặc biệt
Câu đặc biệt có 4 tác dụng chính gồm:
a – Bộc lộ cảm xúc
Đó có thể là những cảm xúc nhất thời, cảm xúc khi chúng ta nghe, nhìn thấy một sự việc, sự vật nào đó đặc biệt.
Ví dụ: Trời ơi, cô giáo tái mặt và nước mắt giàn dụa. Lũ nhỏ cũng khóc mỗi lúc một to hơn.
b – Để liệt kê, thông báo về sự tồn tại của sự vật, sự việc, hiện tượng
Ví dụ: Đoàn người nhốn nháo lên. Tiếng reo. Tiếng vỗ tay.
c – Xác định thời gian, nơi chốn, địa điểm cụ thể được nói đến trong đoạn văn, trong đoạn văn bản đó.
Thường dùng trong giao tiếp, có thể là người hỏi, người trả lời chỉ nói về vấn đề chính mà không nói rõ đầy đủ thành phần chủ ngữ, vị ngữ trong câu.
Ví dụ 1 :
Hồng: Cuối tuần này Lan đi du lịch ở đâu vậy?
Lan: Đà Lạt.
Ví dụ 2: Một đêm mùa xuân. Trên dòng sông êm ả, cái đò cũ của bác tài Phán từ từ trôi.
d – Dùng để gọi – đáp
Tác dụng của câu đặc biệt có thể dùng để gọi – đáp, tuy nhiên các bạn nên lưu ý sử dụng đúng đối tượng giao tiếp nha.
Ví dụ: An gào lên: Sơn! Em Sơn! Sơn ơi. Chị An ơi. Sơn đã nhìn thấy chị.
Bài tập ví dụ câu đặc biệt
Đề bài tập 1 – SKG ngữ văn 7 trang 29
Tìm câu đặc biệt, câu rút gọn trong các đoạn văn sau và nêu tác dụng của các kiểu câu đó.
Câu a: Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
Câu b: Đứng trước tổ dế, ong xanh khẽ vỗ cánh, uốn mình, giương cặp răng rộng và nhọn như đôi gọng kìm, rồi thoắt cái lao nhanh xuống hang sâu. Ba giây… Bốn giây… Năm giây… Lâu quá!
Câu c: Sóng ầm ầm đập vào những tảng đá lớn ven bờ. Gió biển thổi lồng lộng. Ngoài kia là ánh đèn sáng rọi của một con tàu. Một hồi còi.
Câu d: Chim sâu hỏi chiếc lá: – Lá ơi! Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi! – Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu.
Đáp án bài tập 1
Câu a:
Trong đoạn văn trên không có câu đặc biệt, chỉ có 3 câu rút gọn gồm:
- Có khi được … dễ thấy.
- Nhưng cũng có khi…. trong hòm.
- Nghĩa là phải… công việc kháng chiến.
Tác dụng: Làm cho câu gọn gàng, tránh lặp lại những từ ngữ đã dùng ở câu trước đó.
Câu b:
Gồm 4 câu đặc biệt gồm:
- Ba giây. Bốn giây, Năm giây
= > Tác dụng: Xác định thời gian
- Lâu quá
= > Tác dụng: Bộc lộ cảm xúc.
Trong đoạn văn trên không có câu rút gọn
Câu c:
Câu đặc biệt là “ Một hồi còi”
Tác dụng: Thông báo sự tồn tại của sự vật, hiện tượng.
Trong câu c không có câu rút gọn.
Câu d:
Câu đặc biệt là “Lá ơi”
Tác dụng: Dùng để gọi đáp.
Các câu rút gọn là:
Hãy kể … tôi nghe đi và câu Bình thường … để kể đâu.
Tác dụng: Làm cho câu văn gọn hơn và tránh tình trạng lặp từ ngữ.
Kết luận: Đây là câu trả lời cho câu hỏi câu đặc biệt là gì? Phân loại, ví dụ minh họa chi tiết và đầy đủ nhất.
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Tổng hợp