Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng – Tuyển tập những bài văn mẫu đạt điểm cao trong các kì thi và kiểm tra giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Cùng với đó là dàn ý chi tiết và sơ đồ tư duy giúp em dễ dàng nắm được cách làm dạng bài này.
- Lịch thi đấu AIC 2022 Liên Quân Mobile mới nhất
- Top 5 Head Honda uy tín tại tỉnh Vĩnh Phúc
- Điểm chuẩn Học viện Cảnh sát Nhân dân 2021 Học viện Cảnh sát Nhân dân điểm chuẩn
- 10 phim ngoại tình hay nhất với các “cực phẩm tiểu tam” chọc điên khán giả
- Hack Hungry Shark Evolution v8.9.0 Full tiền [Mod money]
Bạn đang xem bài: Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng
Đề bài: Viết một bài văn giải thích nội dung câu tục ngữ: Gần mực thì đen gần đèn thì sáng.
***
Hướng dẫn làm bài giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng
1. Phân tích đề
– Yêu cầu đề bài: giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng và liên hệ với thực tiễn
– Đối tượng làm bài: câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng
– Phương pháp làm bài: giải thích, chứng minh
2. Các luận điểm chính cần triển khai
Luận điểm 1: Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ
Luận điểm 2: Bàn luận và mở rộng về quan hệ trong gia đình và xã hội
3. Lập dàn ý
1. Mở bài:
– Môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn tới đạo đức, nhân cách.
– Người xưa đã đúc kết: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
– Có bạn lại bảo: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng.
2. Thân bài:
a. Giải thích:
Đây là câu tục ngữ nói về tác động của môi trường sống đến mỗi người. Xuất phát từ hình ảnh thực: “mực” và “đèn” là hai vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.
+ “Mực” thì thường có màu đen, do đó, bất kỳ thứ gì bị vấy mực lên đều có thể bị nhuốm màu của nó.
+ Ngược lại, “đèn” thì lại có tác dụng soi sáng, những thứ mà ở gần đèn hay những nơi nào có đèn đều trở nên sáng sủa.
=> Cả hai đều là các hiện tượng rất đỗi bình thường hàng ngày, tuy nhiên, từ chính điều đó, ông cha ta đã liên hệ đến một bài học đạo lý sâu xa hơn, đó là sự ảnh hưởng của môi trường sống đến với cuộc đời mỗi chúng ta. Nếu ta sống trong một môi trường đầy những cạm bẫy, những thói xấu những kẻ xấu xa thì ta cũng sẽ dễ dàng bị “vấy bẩn”, bị tha hoá, trở thành kẻ xấu xa như vậy. Ngược lại, khi ta sống trong một nơi có những người với lối sống tốt đẹp, ta cũng sẽ trở thành người tốt, học tập và ảnh hưởng những điều hay lẽ phải.
b. Nâng cao, mở rộng vấn đề:
+ Quan hệ trong gia đình:
– Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, coi trọng việc giáo dục con cái thì con cái sẽ ngoan ngoãn, hiếu thảo.
– Gia đình bất hòa, con cái dễ hư hỏng. (Dẫn chứng)
+ Quan hệ trong xã hội:
– Giao du với kẻ xấu dễ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu. (Dẫn chứng)
– Kết bạn với người tốt sẽ học hỏi được nhiều điều hay. (Dẫn chứng)
– Gặp bạn chưa tốt nên cố gắng giúp đỡ, cảm hóa để giúp bạn tiến bộ. (Dẫn chứng)
3. Kết bài:
– Câu tục ngữ có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nêu lên một trong nhiều kinh nghiệm sống ở đời.
– Bản thân cũng rút rá được bài học bổ ích.
>> Xem dàn ý chi tiết: Dàn ý giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng
4. Sơ đồ tư duy
-
Bàn luận, chứng minh câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng
Nội dung trên đây đã tóm tắt ngắn gọn nhất ý nghĩa cơ bản của câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Để làm tốt bài văn chứng minh, giải thích nội dung câu tục ngữ này, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu đã đạt điểm cao trong các kì thi và kiểm tra dưới đây, hi vọng sẽ hữu ích cho bài viết của các em.
Văn mẫu tham khảo giải thích ý nghĩa câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng
Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng – Bài văn mẫu 1:
Trong cuộc sống hằng ngày môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành của mỗi cá nhân con người. Các mối quan hệ như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… đều tác động tới mỗi cá nhân chúng ta, và điều đó đã được thể hiện qua câu tục ngữ “Gần mực thì đen,gần đèn thì sáng”.
Vì sao ông cha ta lại mượn hình ảnh “mực” và “đèn” để thể hiện ý của mình? Như ta đã biết “mực” thì có màu đen khi ta không cẩn thận bị làm bẩn ra áo hay ra tay thì rất khó tẩy sạch nên thực tế ông cha ta mượn nó để so sánh với hành động xấu xa. Còn “đèn” là vật phát ra ánh sáng tượng trưng cho điều tốt đẹp, sáng sủa vậy nên ý nghĩa của toàn bộ câu tục ngữ là nếu ta tiếp xúc hay giao du với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu, nếu ta chơi với những người tốt ta sẽ học hỏi và học được nhiều điều hay từ họ.
Chúng ta biết rằng môi trường học tập của các em học sinh hay như môi trường sống của chúng ta là đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành nhân cách của mỗi người. Đặc biệt là các em học sinh người ta nói tâm hồn học sinh lứa tuổi thiếu niên như tờ giấy trắng quả không sai tuổi trẻ có môi trường, hoàn cảnh để rèn luyện, thử thách nhiều vì vậy cũng chưa có chưa có bản lĩnh vững vàng để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống khi được tiếp xúc với cái xấu, cái hay cái đúng nhiều khi chưa phân biệt được đúng sai, chính xác.
Một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình có điều kiện giáo dục tốt, một môi trường trong sáng lành mạnh sẽ khác hẳn với một đứa trẻ sống trong môi trường có nhiều cái xấu. Hay như trong môi trường học tập, ngay cả khi một đứa trẻ được sống trong một trường có văn hóa được giáo dục tốt thì học trong một môi trường có nhiều bạn có thói quen xấu hay không được giáo dục tốt thì cũng sẽ bị ảnh hường ít nhiều đến việc hình thành tính cách của em đó. Và ngược lại môi trường giáo dục sư phạm mẫu mực của nhà trường cũng có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với những đứa trẻ chưa ngoan đưa chúng trở lại với chuẩn mực đạo đức con người, cũng có biết bao đứa trẻ hư được gia đình chiều chuộng nhưng khi đưa đến trường với sự rèn rũa của cô giáo và quy luật của nhà trường mà các em dần biết lỗi sai của mình và kịp thời sửa lỗi để từ đó các em có thể trở thành một đứa trẻ ngoan.
Khi ta phần nào hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ thì chúng ta cần thấy rõ ảnh hưởng và sức tác động to lớn quan trọng của môi trường bạn bè đối với cuộc sống học tập sinh hoạt của thiếu niên, học sinh. Mỗi người cần chọn cho mình một người bạn tốt để chơi, để có thể học tập được ở bạn nhiều cái hay cái tốt.
Nhưng chỉ học tập cái tốt mà tránh xa cái xấu ra thì chưa đủ, ta còn phải lên án cái xấu không thỏa hiệp với nó để cái xấu ngày càng có cơ hội phát triển, đồng thời ta cũng phải biểu dương cái đẹp để cho cái đẹp tiếp tục được phát huy, nhân rộng hơn trong xã hội.
Ngày nay trong xã hội mà ta đang sống vẫn còn không ít những người nhắm mắt chạy theo đồng tiền để thỏa mãn lòng tham của mình mà đánh mất đi đạo đức và nhân cách của mình thậm chí là mất cả sự nghiệp. Vì vậy trong quan hệ ta phải sáng suốt để không phải ân hận về sau.
Qua câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” khuyên nhủ chúng ta phải biết lựa chọn cho mình những cái đúng, cái hay cái đẹp để chơi cũng như chọn bạn mà chơi. Tuy nhiên không phải là xa lánh người mắc khuyết điểm mà là ta nên chỉ ra cái điểm sai của bạn để từ đó bạn có thể đẩy xa cái xấu và tiến lại gần hơn đèn, làm như vậy không những giúp được bạn mà ta còn tự mình tỏa sáng. Hãy tránh xa những cám dỗ của bóng tối, chọn bạn tốt để chơi để cùng học tập và phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi. Gần đèn để được soi sáng là điều cần thiết nhưng ngọn đèn sáng nhất vẫn là ngọn đèn tỏa chiếu từ chính tâm hồn mình.
Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng – Bài văn mẫu 2:
Từ xưa, ông cha ta đã luôn đúc kết những lời khuyên răn từ những điều giản đơn trong cuộc sống, đó là kho tàng ca dao tục ngữ với ngụ ý khuyên dạy con cháu nên người trong đó có câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Đây là một câu dạy bảo của ông cha ta với hàm ý cho chúng ta biết tầm quan trọng của môi trường sống cũng như những người xung quanh đến nhân cách cũng như đạo đức của một con người.
Tục ngữ là một kho tàng vốn sống, kinh nghiệm sống vô cùng quý báu của thế hệ trước dành cho những lớp thế hệ sau. Từ những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống thường ngày, ông cha đã đúc kết ra những bài học sâu xa qua từng câu chữ. Với câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, cha ông đã mượn những vật dụng vô cùng thân thuộc với mỗi người để dạy ta một đạo lý, một bài học. “Mực” vốn là loại mực Tàu dùng để viết của những ông đồ ngày xưa, có màu đen tuyền, dùng để mài cùng nước lấy mực viết. “Đèn” là một vật dụng dùng để thắp sáng cho con người, soi tỏ mọi vật. “Gần mực thì đen” tức là nếu khi tiếp xúc, sử dụng mực mà không khéo, ta có thể bị vấy bẩn bởi mực, dễ bị lem nhem, xấu xí. “Gần đèn thì rạng” tức là nếu gần nơi có ánh sáng thì ta sẽ được soi tỏ bởi lớp ánh sáng ấy, dễ tỏa ra hào quang rực rỡ hơn người khác.
Mượn những hình ảnh dễ thấy, dễ hiểu, người xưa muốn khuyên răn con cháu một bài học về tầm quan trọng của môi trường sống khi nó ảnh hưởng tới nhân cách của một con người. Con người ta khi sống trong một môi trường lành mạnh, được giáo dục và dạy bảo những điều hay điều tốt thì nhất định cũng sẽ trở thành một người có nhân cách, có đạo đức tốt. Giống như đèn hay cách so sánh “Gần đèn thì rạng”, nếu ta được sống trong một môi trường với những người có đạo đức tốt, giỏi giang, biết cách cư xử, lễ phép thì đó chính là ngọn “đèn” soi tỏ, giúp người đó hình thành nhân cách cũng như phẩm chất đạo đức tốt. “Đèn” là tượng trưng cho những điều tốt đẹp, điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Còn “mực” tức là những điều xấu, điều không tốt, không lành mạnh, “gần mực” tức là gần những cái xấu, dễ bị ảnh hưởng, bị vấy bẩn nếu “gần mực” mà không khéo léo, chắc chắn sẽ bị dính bẩn.
Qua những hình ảnh trên, hẳn mỗi người trong chúng ta cũng nhận ra lời khuyên mà ông cha ta muốn dành cho chúng ta qua câu tục ngữ trên. Rằng mỗi người phải biết tu dưỡng đạo đức, phải biết chọn những người bạn hiền để cùng tu tập đạo đức, nhân cách cũng như trí tuệ. Ngoài ra, ta cũng nên tạo ra những môi trường lành mạnh để mọi người có thể cùng nhau phát triển, soi sáng lẫn nhau, mỗi người đều là ngọn “đèn” để người khác được soi tỏ. Đừng sa đà vào những điều xấu xa sẽ bị “lấm bẩn” trở thành một vệt mực xấu xí, bao người xa lánh. Mỗi chúng ta cũng cần tôi rèn ý chí kiên cường trước mọi hoàn cảnh khó khăn, để dù trong hoàn cảnh khó khăn, ta vẫn biết vươn lên, biết tránh những điều xấu, bảo vệ được nhân cách đạo đức của mình.
Không phải ngày nay, mà từ xưa, câu nói của cha ông đã được bao đời kiểm nghiệm và thực hiện. Chúng ta biết đến một Trang Tử đạo cao, đức trọng, hiểu biết thâm sâu, nhưng lại không hề biết sau ông có một người mẹ hiền đã nuôi dạy ông nên người. Xưa kia, nhà Trang Tử vốn ở gần trường học, nhưng trường học đó lại có những đứa trẻ hay gây gổ, bắt nạt bạn bè, không chịu khó học hành. Lo sợ Trang Tử sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều xấu xa, những vết “mực” từ bạn bè, bà đã chuyển nhà tới gần một trường học khác. Nhưng trường học này cũng không có những người bạn hiền, giỏi giang để Trang Tử có thể học hỏi, chính vì thế bà lại chuyển nhà. Đến lần thứ ba, bà đã tìm được một ngôi trường ưng ý để Trang Tử có thể học hành, tu dưỡng tại đó, và sau này là người được lưu danh muôn thuở, là kẻ học sâu hiểu rộng. Vậy ta mới thấy môi trường và bạn bè ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách cũng như đạo đức của một đứa trẻ đến mức nào!
Cũng như một Nguyễn Bỉnh Khiêm tài giỏi một đời không chịu đựng nổi chốn quan trường quỷ kế đã một mình cáo quan về ở ẩn tại rừng trúc:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tới chốn lao xao”
Ông lo sợ chốn quan trường ấy sẽ biến mình trở thành một kẻ đầy mưu mô, tham lam. Vậy nên môi trường không chỉ hình thành nhân cách mà còn ảnh hưởng vô cùng tới nhân cách một người. Phải luôn biết chọn cho mình con đường trong sáng, lành mạnh để giữ được nhân cách làm người.
Không chỉ với người xưa, mà lời khuyên cha ông ta “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” còn nguyên giá trị tới tận ngày nay. Trong một gia đình, nếu cha mẹ hòa thuận, yêu thương nhau, luôn giáo dục con cái phải biết lễ phép, học hỏi những điều tốt thì chắc chắn những đứa trẻ đó lớn lên sẽ là những người có phẩm cách tốt. Bởi vì cha mẹ chính là tấm gương, là ngọn “đèn” soi tỏ con đường con cái mình đi. Chính môi trường mà cha mẹ tạo dựng cũng như tính cách, sự giao tiếp, đối xử lẫn nhau của cha mẹ là kim chỉ cho mỗi đứa con của mình. Gia đình là một phần nhỏ của xã hội, gia đình tốt thì xã hội tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng là những người bạn tốt, những người thầy tốt mà ta đáng học hỏi, vậy nên phải biết chọn lấy người để chơi, để học tập cùng. “Học thầy không tày học bạn”, hãy biết chọn những người có tư cách đạo đức tốt, ngay thẳng để cùng nhau học hỏi. Chỉnh bản thân ta cũng phải biết tu dưỡng học hỏi tốt để có thể trở thành một ngọn “đèn” soi tỏ cho người khác.
Trong xã hội, vẫn còn đâu đó những thành phần cá biệt, là “mực”, là những điều xấu. Vậy nên mỗi con người cần chú ý tu tập, rèn luyện để có thể hướng những người khác trở thành một con người tốt, một ngọn “đèn” rạng chứ không phải một viên “mực” đen.
Từ câu tục ngữ trên, ta đã rút ra được bài học cho chính mình, phải biết học hỏi bạn bè, cũng như biết cách chọn lấy những người bạn tốt, những môi trường tốt để rèn luyện, tránh xa những cái xấu, cái không lành mạnh và phải luôn rèn luyện cho xứng đáng với lời dạy của cha ông ta.
Xem thêm bài mẫu nghị luận về câu tục ngữ Cái khó bó cái khôn
Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng – Bài văn mẫu 3:
Trong cuộc sống chắc mỗi người đều tìm cho mình những người bạn tốt để chơi và gắn bó đó là một truyền thống lâu bền của dân tộc ta. Trong kho tàng những câu ca dao và tục ngữ Việt Nam đã nổi bật lên rất nhiều những đạo lý đó và tiêu biểu là câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng đã được xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta từ rất nhiều năm và nó được lưu truyền một cách rất rộng rãi thể hiện một truyền thống cũng như kinh nghiệm sống mà ông cha ta đã để lại. Nó giống như một kim chỉ nan soi đường và là bài học kinh nghiệm quý báu của mỗi con người. Mỗi người chúng ta đều hiểu rằng câu tục ngữ có ý nghĩa rất sâu sắc. Nghĩ đen của câu này nói về gần mực thì đen, bởi mực có màu đen vì vậy gần mực sẽ đen, gần đèn có ánh sáng thì rạng. Nhưng đấy chỉ là ở khía cạnh nghĩ đen, còn nghĩa bóng, nghĩa sâu xa mà ông cha ta muốn nhắn nhủ đó là nên tìm những người bạn tốt để chơi bởi khi chúng ta chơi với những người bạn xấu hoặc không tốt thì dần chúng ta cũng sẽ trở thành những người như vậy.
Câu tục ngữ trên đã mang một ý nghĩa sâu rộng bởi khi sống trong cuộc sống này ông cha ta đã đúc kết được những kinh nghiệm sống của bản thân để từ đó đúc kết nên câu tục ngữ này, khi sống trong một xã hội chúng ta nên tìm và chơi với những người có phẩm chất đạo đức tốt, không nên chơi với những người tệ nạn, nó sẽ làm cho chúng ta dần trở thành những con người xấu, cuộc sống trải qua bao nhiêu năm thì câu tục ngữ này vẫn đúng bởi lẽ đó là những bài học kinh nghiệm đường đời mà ông cha ta đã gắn bó và để lại cho nhân dân, mỗi con người chúng ta đều phải học hỏi và coi đó là vốn sống riêng của mình để có thể tìm những người bạn tốt để phấn đấu trở thành những con người có ích cho xã hội này, mỗi chúng ta đều phải gần những người thực sự có phẩm chất cao quý do đó chúng mới có thể trở thành những con người đức hạnh.
Câu tục ngữ này rất đúng bởi trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều những trường hợp tương tự như vậy, ai chơi với những người xấu và không tốt thì họ cũng là con người như vậy, chơi lâu ngày thì bản chất của chúng ta cũng giống họ, nhưng ngược lại đối với những người luôn chọn cho mình những người bạn tốt để chơi họ sẽ trở thành người tốt và vô cùng đức độ, những điều đó đều có nguyên nhân và hệ quả của riêng nó, nó đem lại những điều rất tốt đẹp cho mỗi con người chúng ta, chính vì vậy mà mỗi chúng ta cũng đều cần có những phẩm chất tốt như vậy để có thể trở thành những con người có ích cho xã hội này. Gần mực thì đen cũng giống như gần những người xấu thì nhân cách và phẩm chất của chúng ta sẽ bị thay đổi theo họ, chơi với những người tệ nạn thì trước sau gì chúng ta cũng giống họ. Trong cuộc sống, chúng ta bắt gặp rất nhiều những hoàn cảnh như vậy, thường thì những người tệ nạn cờ bạc chơi với những người cờ bạc và rồi học vào con đường cùng, con đường tăm tối của xã hội, không ai coi trọng và còn bị người đời phê phán, đó là những điều cực kì không tốt.
Những người học tốt, có công danh xán lạn thì chơi với những người xán lạn, những người có đạo đức tốt sẽ chơi với những người có phẩm chất tốt, vậy tại sao mỗi chúng ta không chọn cho mình những người bạn thực sự tốt để chơi từ đó chúng cũng trở thành con người như họ, mỗi người đều cần phải có những chính kiến riêng của mình vì vậy hãy coi trọng và phát triển họ cũng giống như phát triển chính bản thân mình. Không ai có thể lựa chọn được nơi mình sinh ra nhưng chắc chắn họ có thể lựa chọn được nơi mình sẽ đứng và lựa chọn cho mình những người bạn cực kì tốt để chơi, đó là một quy luật mà không thể nào có thể thay đổi được. Nếu muốn trở thành con người như thế nào thì đều do chúng ta lựa chọn để trở thành những con người như thế, bởi lẽ không ai có thể chọn bạn cho mình ngoài mình ra.
Nhưng câu tục ngữ trên cũng có mặt chưa hoàn toàn đúng bởi trong xã hội, cũng có những trường hợp họ tốt nhưng học có thể chơi với những người không tốt, nhưng tính kiên định của họ lớn vì vậy họ không bị sao nhãng và trở thành con người xấu kia. Trường hợp này cũng có nhưng rất ít chính vì vậy mà nhân dân ta vẫn rất coi trọng câu tục ngữ mà ông cha ta đã để lại, đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, chúng ta chỉ có thể phát huy và giữ gìn nó chứ không thể thay đổi nó. Nhiều người không biết vận dụng câu tục ngữ này, cuối cùng đã trở thành những con người xấu và không tìm được con đường đi cho chính mình. Kết quả họ chỉ là những con người có phẩm chất không tốt và rồi họ lâm vào những con đường tối tăm và không có nơi lương tựa, điều đó là hệ quả của việc gần mực thì đen. Cũng có những trường hợp người xấu chơi với những người tốt, học có thể thay đổi chính bản thân họ để trở thành những con người tốt kia. Đó là một điều vô cùng cao quý và mỗi chúng ta có thể học hỏi và phát huy nó một cách tối đa, bởi lẽ trong cuộc sống này chúng ta cần học hỏi và phát triển nó theo một quy luật.
Có rất nhiều những trường hợp trong cuộc sống chúng ta cần phải học hỏi và rút kinh nghiệm từ đó, nó là vốn sống và những phẩm chất cao quý trong con người Việt Nam. Mỗi con người đều có thể phát huy được chính bản năng của mình trong đó nó góp phần tạo nên cho chúng ta những nền tảng và kinh nghiệm sống quý giá mà ông cha ta đã để lại, kinh nghiệm sống đã được đúc kết ngắn gọn trong câu tục ngữ này, nhiệm vụ quan trọng của mỗi chúng ta là biết vận dụng và phát huy nó một cách tối đa và hiệu quả, mỗi người đều biết học tập và tu dưỡng đạo đức tốt để có thể trở thành những con người có ích cho xã hội này.
Trong cuộc sống cũng có rất nhiều những tấm gương sáng về tinh thần học hỏi câu tục ngữ của dân tộc tiêu biểu đó là những con người biết vươn lên trong cuộc sống, học chơi với những người có ý chí tiến lên và rồi chính bản thân họ cũng có thể phát triển được những điều quý báu mà tiềm ẩn đã lâu trong con người của họ. Mỗi người chúng ta đều có quyền được học hỏi và đó được coi như là bài học quý báu và cũng là những bài học đường đời và nó đem lại cho mỗi chúng ta những niềm tin tươi sáng vào một cuộc sống tốt đẹp. Như trong cuộc sống này chúng ta thấy rất nhiều những tấm gương sáng về tinh thần biết học hỏi và vươn lên, chính vì vậy họ cũng sẽ trở thành những con người đức độ và có ý chí vươn lên mạnh mẽ, họ là những con người đại diện cho đèn mà những ai gần những ngọn đèn này cũng sẽ rạng sáng, đó là những điều mà ông cha ta muốn nhắn nhủ lại cho mỗi chúng ta.
Câu tục ngữ này là bài học quý báu cho dân tộc ta. Chúng ta cần phải biết giữ gìn và phát huy nó một cách tối đa để có thể trở thành những con người có ích cho xã hội này. Mỗi người đều là những tấm gương sáng cho tinh thần phát triển cội nguồn và những bài học vô cùng quý giá cho dân tộc ta, mỗi chúng ta cần coi nó là kim chỉ nan để phát triển cuộc đời của mình một cách toàn diện và ngày càng mạnh mẽ.
Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng – Bài văn mẫu 4:
Nếu ca dao là tiếng nói của tình cảm nồng nàn thì tục ngữ chính là sản phẩm của trí tuệ, kinh nghiệm phong phú của cha ông chúng ta để lại cho con cháu nhằm mục đích khuyên răn lớp người sau gần điều lành, lánh điều dữ để trở thành người tốt. Chẳng hạn, để khuyên nhủ thanh thiếu niên học sinh phải chọn bạn mà chơi, tục ngữ ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Nghĩa đen của câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng?” thật quá rõ ràng. Người học trò thường xuyên tiếp xúc với mực thì trước sau gì nhất định là mực cũng sẽ rây vào quần áo, chân tay nghĩa là bị lấm lem vì mực, gần mực thì đen là như vậy. Ngược lại, bất cứ ai, khi đến gần ngọn đèn đang thắp sáng thì nhất định ánh đèn sẽ làm rạng rỡ thêm khuôn mặt vì được đèn chiếu sáng.
Thế nhưng, ý nghĩa chủ yếu của câu tục ngữ này là ở nghĩa bóng. Trong sinh hoạt học tập, nếu ta chỉ chung đụng, gần gũi, tiếp xúc với những người xấu thì ta cũng sẽ dễ tiêm nhiễm thói hư tật xấu. Trái lại, nếu ta chỉ gần gũi, tiếp xúc với những người tốt thì ta cũng dễ học tập những phẩm chất tốt đẹp. Suy rộng ra, sống trong xã hội, nếu ta thường xuyên chỉ tiếp xúc với những người xấu, môi trường và hoàn cảnh xấu xa là ta dễ bị tiêm nhiễm những tật xấu thói hư. Trái lại, nếu ta sống gần gũi với những người tốt, môi trường và hoàn cảnh tốt thì ta cũng sẽ dễ học tập được những lề hay lối tốt.
Suy nghiệm lại thì thấy quả đúng như vậy thật. Vì sao? Vì con người nói chung, đặc biệt tuổi thiếu niên học sinh còn non trẻ, chưa có bản lĩnh vững vàng nói riêng, dễ bắt chước lẫn nhau, một cá nhân thường dễ bị đám đông lôi cuốn và cảm hóa. Do đó, sống trong hoàn cảnh xấu như người bên cạnh lúc nào cũng không hay biết. Đã vậy, sống trong hoàn cảnh, môi trường ấy, có điều tốt cũng không ai ủng hộ, làm điều xấu thì cũng không ai chê bai lại còn được khen ngợi và kích thích nữa. Rốt cuộc lại mình cũng không phân biệt được tốt xấu, nghĩ xấu là tốt, nghĩ tốt là xấu. Thế nhưng, sống với người tốt, giữa môi trường tốt thì chính việc tốt của họ là tấm gương để mình noi theo, những ý kiến hay, lời nói tốt của họ giúp mình biết cái đúng để theo, cái xấu để tránh. Từ đó cái đúng, cái tốt của mình ngày sẽ nhiều thêm, còn cái xấu, cái hư cũng sẽ ngày một ít dần đi để mỗi ngày một thành người tốt hơn.
Người xưa thường nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, tâm hồn các em thiếu niên học sinh không khác gì tờ giấy trắng. Do đó, điều hay điều dở rất dễ tác động vào. Chính vì vậy, mà có câu tục ngữ vừa phân tích.
Thấy rõ ảnh hưởng, tác động vô cùng to lớn và quan trọng của môi trường xung quanh đặc biệt môi trường bè bạn, thanh thiếu niên học sinh chúng ta, hơn ai hết, nên gần gũi, học tập các bạn tốt, không nên a dua, đua đòi theo các bạn xấu. Từ đó, chúng ta càng quan tâm hơn nữa đến việc tự rèn luyện bản thân, tu dưỡng, tạo cho mình một bản lĩnh để phân biệt được đúng sai, tốt xấu để bảo vệ và phê phán khi cần thiết.
Ngoài ra, cũng cần hiểu vấn đề một cách toàn diện hơn. Xưa nay, trong xã hội cũng có những người gần mực nhưng vẫn không đen. Tuy sống trong môi trường xấu, nhưng họ vẫn là người tốt, vẫn là “sen trong bùn”, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chu Văn An, Trần Bình Trọng, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thái Bình… là minh chứng cụ thể. Trái lại, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống… dẫu có gần đèn nhưng vẫn tối om.
Đủ thấy trong đời sống, bản lĩnh của mỗi người là điều hệ trọng, thêm vào đó cần tự chủ và cẩn thận khi tiếp xúc với sự việc, với con người. Xa lánh cái xấu chứ không xa lánh con người, xa lánh các bạn có khuyết điểm.
Là học sinh hiểu được ý nghĩa câu tục ngữ trên, ta phải làm gì? “Chọn bạn mà chơi” ta phải biết gần gũi khiêm tốn để học tập các bạn tốt đồng thời phải chân thành thẳng thắn giúp đỡ bạn chưa tốt để cùng nhau tiến bộ trong học tập và rèn luyện.
Cũng nên lưu ý rằng sách báo, phim ảnh, các trò chơi cũng là người bạn gần gũi với ta trong cuộc sống. Do đó, ta nên thận trọng trong việc tiếp xúc. Hơn thế nữa, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn hiện nay, trong xã hội còn nhiều tệ nạn, thì câu tục ngữ này là phương châm hành động thiết thực cho tuổi trẻ.
Có thể bạn cũng quan tâm: Văn mẫu giải thích câu Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường
Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng – Bài văn mẫu 5:
Tục ngữ là kho tàng vô giá về kinh nghiệm trong sản xuất, trong học tập và trong đấu tranh. Nó cho ta nhiều bài học hay, nhiều nhận xét sâu sắc trong ứng xử, giao tiếp. Trải qua bao đổi thay của thế sự, nhân tình, lớp bụi thời gian có thể phủ mờ lên nhiều thứ, nhiều điều có thể bị lãng quên… nhưng kho tàng vô giá này vẫn có một sức sống lâu bền và còn nhiều ý nghĩa đối với nhân sinh. Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là một ví dụ tiêu biểu. Chúng ta cần quan niệm như thế nào cho đúng khi học câu tục ngữ này?
Câu tục ngữ có hai vế đối lập: “gần mực thì đen” và “gần đèn thì sáng”; hai biểu tượng tương phản nhau: “mực” và “đèn”. Do đó, tác dụng cũng trái ngược nhau: “đen” và “sáng”.
Màu đen của mực (mực tàu), nguồn ánh sáng của đèn là hai biểu tượng về cái xấu và cái tốt, về dở và hay, cái lạc hậu, tiêu cực và cái tiến bộ, tích cực. “Gần” là ở bên cạnh, đặt bên cạnh, sống gần gũi. Đối lập với gần là xa, là tách biệt, cách li. “Mực thì đen” nhưng có ở “gần” thì mới “đen”. “Đèn thì sáng” nhưng có đặt gần, ở gần thì mới “sáng”. Chữ “gần” trong tục ngữ nói lên một mối quan hệ, sự tương quan gần gũi của hai sự vật. Nhân dân ta mượn hai biểu tượng đối lập (mực, đèn) để nói lên tầm quan trọng to lớn của mối quan hệ xã hội, của môi trường tác động đến con người.
Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chứa đựng một kinh nghiệm sống, một cách sống đúng đắn và hay. Con người ta sinh ra tính vốn thiện và lành nhờ sự dạy dỗ, giáo dục, học tập mà trở thành người hữu ích. Nếu sống trong một môi trường xấu thì dễ trở nên xấu như “gần mực thì đen” vậy. Nhưng nếu sống trong một môi trường tốt, có quan hệ xã hội tốt, thì có thể trở thành người tốt, người có ích cho xã hội, chẳng khác nào “gần đèn thì sáng”. Sự nhiễm bẩn lây lan rất đáng sợ, khi sống “gần mực”. Điều tốt đẹp, trong sáng, cái hay, cái tốt của người, của đời sẽ toả sáng tâm hồn ta, cảm hoá lòng ta nếu ở “gần đèn”.
Mối quan hệ xã hội, môi trường sống… đã tác động vào tâm hồn, làm thay đổi tâm tính mỗi người. Gần người hiền, xa kẻ dữ, chọn bạn mà chơi, học cách làm người, cách làm ăn của những tấm gương cần cù, tài giỏi… là bài học quý báu hàm chứa trong câu tục ngữ.
Đáng ngại biết bao khi phải sống gần những kẻ bất lương, trộm cắp, rượu chè, cờ bạc. Hạnh phúc biết bao khi chúng ta được ở gần những người bạn tốt, láng giềng tốt. Ta sẽ học được bao điều hay lẽ phải ở đời. Phương ngôn có câu: “Bạn tốt quý hơn vàng” là thế! Trong cổ học tinh hoa nhắc lại chuyện bà mẹ Mạnh Tử dời nhà nhiều lần; lần sau cùng, bà chuyển đến gần trường học, bà mới yên tâm. Có bà mẹ vĩ đại như thế mới có Mạnh Tử ở đời.
Trong nhân gian có nhiều câu tục ngữ nói về mối quan hệ xã hội. Mỗi câu là một khía cạnh sắc bén nói lên cách sống và mối quan hệ ở đời:
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài “.
“Ở gần nhà giàu, đau răng ăn cốm,
Sống gần kẻ trộm, ốm lưng chịu đòn ”.
“Thói thường gần mực thì đen,
Anh em bọn hữu phải nên chọn người
Cũng cần phải quan niệm câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Sự tác động của con người đối với hoàn cảnh, với quan hệ xã hội là rất lớn. Con người giàu bản lĩnh, tài năng có thể góp phần cải tạo hoàn cảnh, làm thay đổi mối quan hệ xã hội. Họ lấy tài năng, đạo đức, tình thương của mình mà cảm hoá đồng loại, giáo dục kẻ bất lương. Câu ca dao “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” càng cho ta cảm nhận thêm sự thật ấy: “Gần mực mà chẳng đen”, “Gần đèn thì sáng”, chân lí ấy hiển nhiên rồi. Nhưng nếu thiếu chí tiến thủ, không có ý thức tốt trong học tập vươn lên, không khiêm tốn… thì “gần đèn” nhưng khó mà “sáng” lên được! Học lớp chọn, trường chuyên ai mà chẳng thích, nhưng nếu lười học, thiếu cố gắng… thì không thể nào “sáng” hơn chúng bạn. Môi trường, quan hệ xã hội – gia đình, nhà trường, xã hội – rất quan trọng, nhưng sự vận động tự thân của người học sinh còn quan trọng hơn. Bởi vậy, mỗi người phải luôn luôn có ý thức tốt trong học tập, tự rèn luyện, biết nỗ lực phấn đấu vươn lên, tiến bộ không ngừng.
Tuổi trẻ có bạn bè. Chọn bạn tốt mà chơi. Không đua đòi kẻ xấu. Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” giúp ta định hướng con đường đi tới tương lai tốt đẹp: con đường học tập và lao động để phục vụ gia đình và đất nước.
Xem thêm:
- Giải thích câu Lời nói gói vàng, Lời nói chẳng mất tiền mua
- Giải thích câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm
Trên đây là tài liệu hướng dẫn và văn mẫu hay giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Để có thêm những tài liệu phong phú trong quá trình ôn tập, rèn luyện kỹ năng làm văn lớp 7, các em có thể truy cập mục Văn mẫu lớp 7 do Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội sưu tầm và tổng hợp. Chúc các em học tốt!
[Văn mẫu 7] Hướng dẫn làm bài giải thích câu tục ngữ: Gần mực thì đen gần đèn thì sáng, tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và những bài văn mẫu tham khảo hay.
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Tổng hợp