Đề bài: Phân tích bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
Bạn đang xem bài: Phân tích bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
Phân tích bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
I. Dàn ý Phân tích bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về nhà thơ Xuân Quỳnh (những nét chính về tiểu sử, đặc điểm con người, các sáng tác chủ yếu, đặc điểm sáng tác,…)
– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Tiếng gà trưa” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)
2. Thân bài
a. Âm thanh tiếng gà trưa trên đường hành quân
– Hoàn cảnh: thời gian dừng chân bên một xóm nhỏ trên chặng đường dài hành quân
– Âm thanh gần gũi, chân thực của tiếng gà: “Cục… cục tác… cục ta”
– Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác cùng điệp từ “nghe” đã làm bật lên niềm xúc động, bồi hồi của nhân vật trữ tình lúc nghe thấy những âm thanh của tiếng gà trưa
b. Âm thanh tiếng gà trưa gợi lại những kỉ niệm của thời thơ ấu
– Những kỉ niệm tuổi thơ:
+ Hình ảnh của những ổ rơm hồng đầy trứng, là hình ảnh của gà mái mơ, gà mái vàng với những màu sắc rất riêng, độc đáo.
+ Những lần bị mắng và sự ngây ngô, hồn nhiên của cháu sau mỗi lần bị bà mắng
– Hình ảnh người bà:
+ Lời mắng của bà: lời mắng ấy chất chứa bao niềm mong ước của bà với cháu bởi lẽ bà luôn mong muốn cháu của bà sau này lớn lên sẽ thật đẹp và xét đến cùng đấy chính là tình yêu thương, sự quan tâm vô bờ bến mà bà luôn dành cho cháu.
+ Hình ảnh bà chắt chiu, dành dụm từng quả trứng: Hình ảnh “tay bà khum soi trứng”, chắt chiu từng quả trứng cho gà ấp gợi lên hình ảnh một người bà tảo tần, chịu thương, chịu khó
+ Những lo lắng cũng như mong ước của người bà:
- Lo lắng mỗi khi đông đến, thời tiết giá lạnh và sương muối bủa vây sẽ khiến đàn gà sẽ đổ bệnh.
- Mong ước của bà, bà mong sao cho mưa thuận gió hòa, thời tiết thuận lợi để đàn gà có thể lớn lên khỏe mạnh, cuối năm bà có thể bán chúng đi để mua cho cháu một bộ quần áo mới để đón Tết.
- Nỗi lo lắng của bà chính là vì niềm vui của người cháu.
c. Tiếng gà trưa gợi lên những suy tư
– Suy tư về hạnh phúc: với cháu, hạnh phúc không ở đâu xa xôi mà nó hiện hữu ngay ở những điều bình dị, giản đơn nhất trong cuộc sống đời thường.
– Suy tư về hiện tại, về mục đích chiến đấu: Điệp từ “vì” lặp lại bốn lần cùng với thủ pháp liệt kê với mức độ từ khái quát đến cụ thể đã nhấn mạnh mục đích chiến đấu của cháu ngày hôm nay.
3. Kết bài
Khái quát những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của bài thơ và nêu cảm nhận của bản thân.
II. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh (Chuẩn)
Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ xuất sắc, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn với những tình cảm ấm áp, bình dị, đời thường. Và có thể nói bài thơ “Tiếng gà trưa”, tác phẩm ra đời vào những năm đầu của cuộc kháng chiến là một trong số những sáng tác tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh.
m thanh tiếng gà trưa là âm thanh bình di, gần gũi với những người dân quê Việt Nam, nó chất chứa bao ý nghĩa, tình cảm và với người chiến sĩ trong bài thơ “Tiếng gà trưa’ cũng vậy. Khổ thơ mở đầu bài thơ đã khắc họa rõ nét, chân thực và sâu sắc âm thanh của tiếng gà trưa trên đường hành quân.
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Hai câu thơ mở đầu bài thơ đã gợi ra hoàn cảnh xuất hiện của âm thanh tiếng gà, đó là thời gian dừng chân bên một xóm nhỏ trên chặng đường dài hành quân và để rồi trong chính hoàn cảnh ấy, người chiến sĩ đã nghe thấy âm thanh của tiếng gà trưa “Cục… cục tác… cục ta” – một âm thanh gần gũi, quen thuộc và gợi lên trong người chiến sĩ ấy biết bao cảm xúc bao kỉ niệm.
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
Bằng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác cùng điệp từ nghe lặp lại nhiều lần, ba câu thơ dường như đã làm bật lên niềm xúc động, bồi hồi của nhân vật trữ tình lúc nghe thấy những âm thanh của tiếng gà trưa. m thanh của tiếng gà trưa đã làm vơi đi cái nắng, cái mệt nhọc, vất vả trên bước đường hành quân để rồi thay vào đấy là những kỉ niệm của tuổi thơ cứ thế gọi nhau ùa về.
Và để rồi, trong năm khổ thơ tiếp theo của bài thơ, trong âm thanh của tiếng gà trưa đã gợi về trong người chiến sĩ biết bao kỉ niệm đẹp đẽ, trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ bên người bà yêu mến. Trước hết đó chính là những kỉ niệm của tuổi thơ:
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng
Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng
– Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng
Những năm tháng tuổi thơ bên bà nơi làng quê yên bình dường như đã đi sâu vào trong trái tim cháu và để rồi khi âm thanh của tiếng gà trưa vang lên những kỉ niệm ấy lại ùa về. Đó là hình ảnh của những ổ rơm hồng đầy trứng, là hình ảnh của gà mái mơ, gà mái vàng với những màu sắc rất riêng, độc đáo. Và tuổi thơ ấy còn cả những tiếng mắng của bà và sự ngây ngô, hồn nhiên của cháu sau mỗi lần bị bà mắng.
Và có lẽ điều đáng nhớ, đáng trân trọng nhất trong những năm tháng tuổi thơ của cháu đó chính là hình ảnh người bà tảo tần, vất vả nhưng đầy tình yêu thương, sự quan tâm, che chở, chăm sóc cháu.
Nhớ về bà, người cháu nhớ đến lời mắng của bà, lời mắng ấy chất chứa bao niềm mong ước của bà với cháu. Bà mắng bởi lẽ bà luôn mong muốn cháu của bà sau này lớn lên sẽ thật đẹp và xét đến cùng đấy chính là tình yêu thương, sự quan tâm vô bờ bến mà bà luôn dành cho cháu.
Nhớ về bà, cháu nhớ tới hình ảnh bà chắt chiu, dành dụm từng quả trứng:
Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp
Hình ảnh “tay bà khum soi trứng”, chắt chiu từng quả trứng cho gà ấp gợi lên hình ảnh một người bà tảo tần, chịu thương, chịu khó, luôn cố gắng chắt chiu, dành dụm trong cuộc sống vất vả nhiều lo toan. Và người bà trong tâm trí của cháu còn hiện lên với biết bao nỗi lo toan mỗi độ đông về:
Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Khổ thơ đã cho chúng ta thấy những lo lắng cũng như mong ước của người bà. Bà vẫn luôn lo lắng mỗi khi đông đến, thời tiết giá lạnh và sương muối bủa vây sẽ khiến đàn gà sẽ đổ bệnh. Đó có lẽ là nỗi lo lắng thường trực, lặp đi lặp lại trong bà mỗi năm. Và cùng với nỗi lo lắng ấy chính là mong ước của bà, bà mong sao cho mưa thuận gió hòa, thời tiết thuận lợi để đàn gà có thể lớn lên khỏe mạnh, cuối năm bà có thể bán chúng đi để mua cho cháu một bộ quần áo mới để đón Tết. Nỗi lo lắng của bà chính là vì niềm vui của người cháu. Qua đó có thể thấy tình yêu thương sâu sắc, vô bờ bến của bà đối với người cháu của mình.
Nếu trong sáu khổ thơ đầu của bài thơ, âm thanh của tiếng gà trưa đã gợi về những kỉ niệm tuổi thơ thì trong hai khổ thơ còn lại đã cho chúng ta thấy những suy tư được gợi lên từ tiếng gà. Trước hết đó chính là những suy tư về hạnh phúc:
Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng
Âm thanh của tiếng gà trưa và “ổ trứng hồng sắc trứng” là những hình ảnh gần gũi, bình dị trong tâm khảm của những người con ở mọi làng quê đất Việt, là hình ảnh của cuộc sống yên bình, ấm no và với người cháu đó còn là hình ảnh gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ, với người bà yêu quý của mình. Và để rồi, với cháu “giấc ngủ hồng sắc trứng” – giấc mơ những điều bình dị trở thành điều hạnh phúc và tuyệt vời nhất. Và có lẽ, với cháu, hạnh phúc không ở đâu xa xôi mà nó hiện hữu ngay ở những điều bình dị, giản đơn nhất trong cuộc sống đời thường.
Không chỉ suy tư về hạnh phúc, người cháu còn suy tư về hiện tại, về mục đích chiến đấu của mình:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
Trong khổ thơ cuối của bài thơ, tác giả đã sử dụng điệp từ “vì” lặp lại bốn lần cùng với thủ pháp liệt kê với mức độ từ khái quát đến cụ thể đã nhấn mạnh mục đích chiến đấu của cháu ngày hôm nay. Mục đích chiến đấu đấy là vì Tổ quốc, vì xóm làng, vì bà và vì tiếng gà cục tác.
Tóm lại, với việc sử dụng thể thơ năm chữ với những hình ảnh gần gũi, chân thực và cách diễn đạt tự nhiên, bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh từ âm thanh tiếng gà trưa đã gợi về những kỉ niệm đẹp đẽ, hồn nhiên của tuổi thơ cùng tình cảm bà cháu đáng quý. Đồng thời, qua đó giúp chúng ta hiểu rằng tình cảm gia đình sẽ làm sâu sắc thêm cho tình cảm quê hương, đất nước.
——————–HẾT———————-
Tiếng gà trưa là bài thơ đặc sắc của nữ sĩ Xuân Quỳnh, bên cạnh bài Phân tích bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh, để mở rộng thêm vốn hiểu biết về bài thơ, các em có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 7 khác như: Phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Tiếng gà trưa, Cảm nghĩ về tình bà cháu được trong bài thơ Tiếng gà trưa, Cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh, Soạn bài Tiếng gà trưa.
Về trang chủ: TH Huỳnh Ngọc Huệ
Bài viết thuộc danh mục: Tổng hợp